Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Hà Giang thực hiện lời Bác Hồ căn dặn

Duy Ly - 10:50, 03/02/2022

Tháng 3 năm 1961, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Bằng những ngôn từ mộc mạc, giản dị, Bác đã để lại 8 lời căn dặn đặc biệt. Những lời căn dặn ấy là ý nguyện của Người với mảnh đất Hà Giang, được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang khắc sâu, thực hiện…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Nhân dân các dân tộc Hà Giang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Nhân dân các dân tộc Hà Giang.

Khắc sâu lời Bác

Buổi nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với gần 1,7 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tại sân vận động thị xã Hà Giang (nay là Quảng trường 26/3) vào ngày 26 và 27 tháng 3 năm 1961, có lẽ là khoảng thời gian không thể quên đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Tại đây, Bác đã đưa ra 8 lời căn dặn. Lời của Bác hết sức ngắn gọn, súc tích, nhưng lại chứa đựng ý nghĩa sâu sắc và có giá trị dài lâu: Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà; Ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; Muốn sản xuất tốt phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ; Phát triển chăn nuôi gia súc sẽ đem lại nguồn lợi lớn; Bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, cây ăn quả và cây làm thuốc; Chú ý vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch; Xóa nạn mù chữ, biết đọc, biết viết làm ăn mới tiến bộ; Cán bộ, đảng viên và đoàn viên đoàn kết chặt chẽ, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân trên lợi ích riêng của mình, phải gương mẫu trong đoàn kết dân tộc, trong học tập và trong lao động sản xuất, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, mệnh lệnh…

Nhiều thập kỷ trôi qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn khắc sâu lời căn dặn của Bác, nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng của tỉnh. Đặc biệt, nhìn lại hai năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp, tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, song tỉnh Hà Giang vẫn vững tâm vượt mọi khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, đúng với tinh thần 8 lời căn dặn của Bác.

Phụ nữ thị trấn Đồng Văn canh tác trồng rau vừa đảm bảo kinh tế và nâng cao thu nhập cho gia đình.
Phụ nữ thị trấn Đồng Văn canh tác trồng rau vừa đảm bảo kinh tế và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Nhiều thành quả đáng ghi nhận

Trong những thành tựu ấy, phải kể đến công tác xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa vùng thấp với vùng cao. Theo kết quả rà soát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 7.640 hộ thoát nghèo; đưa tổng số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 34.848 hộ; chiếm tỷ lệ 18,54% tổng số hộ toàn tỉnh và giảm 3,75% tổng số hộ nghèo so với đầu năm 2021.

Để thực hiện vấn đề này, tỉnh đã lồng ghép linh hoạt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc như Chương trình 135; Quyết định 2086/QĐ-TTg… đầu tư nguồn lực nhằm hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm, tạo sinh kế trong vùng đồng bào DTTS.

Anh Súng Sào Vinh, dân tộc Phù Lá, thôn Bản Máy, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì phấn khởi cho biết: “Không chỉ được hỗ trợ nguồn vốn vay, chúng tôi còn được tập huấn, hướng dẫn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Chính quyền huyện, xã cũng tiến hành xây dựng bể chứa nước và hỗ trợ 13 hộ xây dựng nhà ở theo Quyết định 1953 của tỉnh. Tuyến đường vào thôn cũng được nâng cấp, cải tạo; đời sống của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên”.

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Cao nguyên đá, tỉnh Hà Giang đã tận dụng lợi thế phát triển du lịch; đã ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch của Việt Nam một cách đậm nét. Hiện nay, toàn tỉnh đã đăng ký 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được UBND tỉnh công nhận. Nhờ làm du lịch mà năm 2020, thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch bình quân đạt 50 - 70 triệu đồng/năm.

Các làng nghề thủ công truyền thống cũng được đầu tư khôi phục, nhằm tạo sản phẩm du lịch đa dạng, như: Làng nghề nấu rượu thóc Nàng Đôn, huyện Hoàng Su Phì; Làng nghề dệt thổ cẩm huyện Quang Bình; nghề chạm bạc thủ công của người Nùng; nghề trồng và dệt vải lanh của người Mông…

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc đang ngày càng phát triển. Tỷ lệ người DTTS từ 10 - 60 tuổi biết chữ đạt 83,76%. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố, phát triển góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.

Các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa các tuyến được quan tâm xây dựng, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị hiện đại; chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng cao; đến nay 100% trạm y tế có bác sĩ luân phiên đến trực, thăm khám cho bệnh nhân, 94,4% thôn bản có nhân viên y tế. Các chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo, người DTTS được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, chăm sóc sức khỏe.

Sau những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, một mùa Xuân mới lại đến đem theo biết bao kỳ vọng về sự phát triển và sự thay đổi tích cực nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã đặt ra, đó là: Xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước…

Và những lời căn dặn của Bác như vẫn còn âm vang, sẽ luôn là chân lý và có giá trị vĩnh cửu, là nguồn động viên khích lệ Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Giang ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, giàu mạnh hơn, cuộc sống của đồng bào ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn./.