Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng Yên (Hà Giang): Chăn nuôi gia súc thúc đẩy xóa đói giảm nghèo

Phạm Văn Phú - 11:37, 16/12/2021

Nhờ biết phát huy lợi thế, đổi mới phương thức, chăn nuôi đang là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ đang được đẩy mạnh ở xã Đồng Yên
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ đang được đẩy mạnh ở xã Đồng Yên

Đồng Yên là xã có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ… và thuộc xã vùng 3 của huyện Bắc Quang. 

Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, lãnh đạo xã Đồng Yên đã chỉ đạo người dân tập trung xây dựng các mô hình chăn nuôi điển hình, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ chăn nuôi gia súc thả rông, nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi theo qui mô gia trại và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu từ 120 – 150 triệu đồng mỗi năm và chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chủ đạo của địa phương.

Anh Triệu Chòi Chu, hộ gia đình chăn nuôi trâu của thôn Trang xã Đồng Yên cho biết: Nhờ chủ trương của xã đã giúp người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và mở rộng diện tích trồng cỏ. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Trạm Thú y và Trạm Khuyến nông của huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc để giúp người dân nâng cao kiến thức và hiệu quả chăn nuôi…

Đàn trâu của một hộ gia đình người Dao xã Đồng Yên
Đàn trâu của một hộ gia đình người Dao xã Đồng Yên

Nhận thấy phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong những năm qua, Ban chấp hành Đảng bộ xã Đồng Yên đã xây dựng Nghị quyết về phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa gắn với thị trường, nhằm nhân rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê và lợn đen tại các thôn có phong trào phát triển chăn nuôi nổi bật của xã. Mục tiêu giá trị từ chăn nuôi gia súc đạt trên 4,5 tỷ đồng, chiếm trên 30,2% tổng giá trị trong ngành nông nghiệp của xã.

Bên cạnh đó, chính quyền xã Đồng Yên đã phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện Bắc Quang chỉ đạo người dân đẩy mạnh công tác chọn lọc và nhân giống gia súc, đào thải các con giống thoái hóa, kém chất lượng; ưu tiên chọn các loại giống gia súc đạt tiêu chuẩn; chỉ đạo người dân tập trung xây dựng chuồng trại kiên cố; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình chăn nuôi, nhất là công tác vệ sinh chuồng trại và phòng trừ các loại dịch bệnh trên đàn gia súc; vận động bà con nông dân tận dụng các diện tích vườn đồi mở rộng diện tích trồng cỏ và chuyển các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi…

Ông Vi Hiệu Trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Đồng Yên cho biết: Trong những năm gần đây, từ chủ trương của xã và nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều hộ gia đình của xã Đồng Yên đã đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa và đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Nhờ đó, tổng đàn gia súc của xã không ngừng được tăng dần qua các năm.

Hiện nay, trên địa bàn của xã đã có hàng chục hộ gia đình phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê theo qui mô tập trung với số lượng từ 6 – 8 con/hộ. Mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm con trâu, bò, trên 4 tấn lợn đen và khoảng 1,5 tấn dê, tổng giá trị thu nhập từ chăn nuôi gia súc của xã đạt trên 2,2 tỷ đồng mỗi năm. Có thể nói, trong những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi gia súc của xã đã có nhiều khởi sắc và trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và là tiền đề quan trọng góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.