Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Hà Nam phấn đấu là tỉnh giàu mạnh, hiện đại, kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

PV - 23:06, 14/05/2023

Chiều 14/5, tại Tp. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương; rà soát lại việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương và địa phương ở giai đoạn giữa nhiệm kỳ để tăng tốc, sẵn sàng về đích thành công.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với tỉnh Hà Nam. (Ảnh Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với tỉnh Hà Nam. (Ảnh Duy Linh)

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh cần quan tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là có giải pháp quyết liệt nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng một số cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, kể cả những người “tròn vo, không làm gì”; quan tâm tới công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới, thực hiện luân chuyển, đào tạo cán bộ nguồn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nam rà soát lại đường hướng phát triển, nhất là công tác quy hoạch. Tỉnh Hà Nam cần phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch tỉnh, tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào địa phương.

Quang cảnh buổi làm việc với tỉnh Hà Nam. (Ảnh Duy Linh)
Quang cảnh buổi làm việc với tỉnh Hà Nam. (Ảnh Duy Linh)

Nhắc lại mục tiêu mà tỉnh đề ra là xây dựng Hà Nam thành tỉnh khá, trở thành thành phố hiện đại vào năm 2050, Chủ tịch Quốc hội mong muốn tỉnh xác định thật rõ mục tiêu, củng cố khát vọng phát triển, đổi mới tư duy, tầm nhìn; phát huy tiềm năng, thế mạnh là tỉnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô… nhanh chóng hoàn thành xây dựng đường vành đai 5 kết nối với vùng Thủ đô.

Về xây dựng nông thôn mới thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nam cần đẩy mạnh theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

“Tỉnh cần xốc lại tinh thần chính quyền địa phương đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, không phải đến lúc khó mới tìm cách tháo gỡ. Tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội. Tỉnh đã phát triển hơn nên cần dành an sinh, phúc lợi nhiều hơn cho người dân, để người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ thành tựu phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Nam đạt được trong thời gian qua.

Đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao sự thẳng thắn của Ban Thường vụ trong việc chỉ ra hạn chế, bất cập, nguyên nhân và cũng đồng tình cho rằng: một trong những nguyên nhân chủ quan là tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý sợ trách nhiệm, né tránh, không dám thực thi nhiệm vụ, kéo dài thời gian, gây ách tắc trì trệ trong giải quyết công việc.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thuỷ trình bày báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh Duy Linh)
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy trình bày báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh Duy Linh)

Cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Hà Nam xác định trong các tháng cuối năm 2023 và nửa nhiệm kỳ còn lại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, gợi mở thêm một số nội dung để các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghiên cứu chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Tham gia đóng góp ý kiến với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Nam khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực.

Một trong những nội dung quan trọng của địa phương trong thời gian tới là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh và đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm gắn công tác quy hoạch với kết nối vùng.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nguồn lực thúc đẩy liên kết vùng, nhất là với các địa phương thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị; phát huy lợi thế là cửa ngõ phía Nam Hà Nội để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Chủ tịch Quốc hội dịp này lưu ý tỉnh đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, của Hội đồng nhân dân các cấp, với tinh thần “chủ động, đồng hành”, tiếp tục đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, quan tâm đến những chương trình hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc với tỉnh Hà Nam. (Ảnh Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc với tỉnh Hà Nam. (Ảnh Duy Linh)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh quan tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, nhằm phòng ngừa vi phạm và xử lý kịp thời những vi phạm, khuyết điểm.

Nhân dịp này, tỉnh Hà Nam cũng kiến nghị, đề xuất với Quốc hội xem xét bổ sung Nghị quyết số 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025; trong đó có nội dung giao bổ sung 663 ha chỉ tiêu sử dụng đất Khu công nghệ cao cho tỉnh Hà Nam; đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm bố trí vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng Khu du lịch Tam Chúc, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc Mông trắng thành Di sản.

Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị bộ, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc để kết nối giao thông đồng bộ giữa tỉnh Hà Nam với tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng...

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đại diện các bộ, ngành, cơ quan cũng đã có ý kiến trao đổi; Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Trước đó, sáng nay, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đến dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ, kết nối cao tốc Cầu giẽ, Ninh Bình với cao tốc song hành đường vành đai 5 vùng thủ đô.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án nút giao Phú Thứ. (Ảnh Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án nút giao Phú Thứ. (Ảnh Duy Linh)

Dự án khi hoàn thành sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng trong việc kết nối cao tốc Hà Nội - Ninh Bình với hạ tầng giao thông của tỉnh Hà Nam, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch tỉnh Hà Nam và quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, góp phần tạo ra không gian và động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Nam.

Tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội sẽ dự lễ khai mạc Tuần Văn hoá du lịch Hà Nam, sự kiện hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Báo cáo Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong Đoàn công tác, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết: Sau 26 năm tái lập tỉnh (1997 - 2023), từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, Hà Nam đã trở thành một tỉnh phát triển năng động, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Giai đoạn 2021 - 2022: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,06%/năm - mức tăng cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Thu ngân sách nhà nước đạt bình quân gần 14 nghìn tỷ đồng/năm, tăng bình quân 13,95%/năm; năm 2022 Hà Nam đã tự cân đối được ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Năm 2020, Hà Nam trở thành tỉnh thứ 4 trong cả nước...

GRDP quý I/2023 tỉnh Hà Nam tăng 4,05% so với cùng kỳ năm 2022; du lịch 4 tháng đạt trên 3 triệu lượt khách - tương đương lượng khách trung bình một năm trong giai đoạn 3 năm qua; sản xuất công nghiệp tăng 6,55% so với cùng kỳ; thu hút được 10 dự án đầu tư (6 dự án FDI, 4 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 87,34 triệu USD và 817,5 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 16.302,6 tỷ đồng, tăng 38%; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2.017,8 triệu USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Triển khai đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, có sức lan toả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, có tính liên kết vùng.