Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Hà Nội: Mở thêm kênh hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 qua tổng đài 1022

PV-CĐ - 18:30, 06/09/2021

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết: TP. Hà Nội vừa mở thêm kênh hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để mở rộng kênh tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, từ ngày 02/9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đã bổ sung thêm 2 nhánh của Tổng đài điện thoại 1022, đó là nhánh 5 “Giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội” và nhánh 6 “Hỗ trợ nhu yếu phẩm khi người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19".

Cụ thể, khi chọn nhánh 5, người dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp nhận thông tin và hỗ trợ giải đáp thông tin: Hỗ trợ lao động tự do, người lao động chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục chấm dứt hợp đồng lao động; Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc; Giải đáp về hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; Giải đáp về hỗ trợ cho người có công; Giải đáp về công tác chi trả tiền hỗ trợ; Giải đáp về các kiến nghị, phản ánh khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Khi chọn nhánh 6, người dân sẽ được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tiếp nhận thông tin và hỗ trợ nhu yếu phẩm khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Sở TT&TT Hà Nội đã hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lắp đặt 04 máy tính cài đặt phần mềm softphone kết nối đến Tổng đài điện thoại 1022 để tăng cường năng lực tiếp nhận thông tin gọi đến nhánh 2 - Kết nối đến CDC Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Liêm cũng cho biết, thực tế chứng minh tổng đài 1022 đã phát huy hiệu quả rất tích cực, chỉ tính riêng nhánh 4 (nhánh kết nối đến Sở TT&TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch COVID-19) đã tiếp nhận trên 6.000 cuộc gọi phản ánh của người dân. Trên cơ sở đó, Sở TT&TT đã chuyển đến các quận, huyện, thị xã để xử lý ngay các vấn đề người dân phản ánh.

Đặc biệt, tổng đài 1022 cũng kết nối với Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, với trên 300 bác sỹ sẵn sàng giải đáp, tư vấn, hỗ trợ người dân. “Người dân khi có biểu hiện ho, sốt hãy gọi đến tổng đài 1022 (nhánh 3) để được tư vấn và hỗ trợ” - Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.

Hiện, Sở TT&TT đang nghiên cứu khả năng triển khai bổ sung các kênh thông tin để tiếp nhận đối với tổng đài điện thoại 1022, cụ thể: Mở rộng Nhánh 7: Tổng đài thông minh trả lời tự động của Thành phố (phối hợp với Viettel hỗ trợ, triển khai); Thiết lập Cổng thông tin điện tử với tên miền: 1022.hanoi.gov.vn để tiếp nhận, giải đáp, tư vấn thông tin, giảm tải đối với Tổng đài điện thoại 1022. 

Như vậy, hiện tại Tổng đài điện thoại 1022 của TP. Hà Nội đã được thiết lập với 6 nhánh:

- Nhánh 1 (bấm phím 1): Kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115.

- Nhánh 2 (bấm phím 2): Kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

- Nhánh 3 (bấm phím 3): Kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành.

- Nhánh 4 (bấm phím 4): Kết nối đến Sở TT&TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch Covid-19.

- Nhánh 5 (bấm phím 5): Kết nối đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội.

- Nhánh 6 (bấm phím 6): Kết nối đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội để yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bắt đầu hoạt động chính thức từ ngày 20/8/2021, tính đến 12h00 ngày 3/9/2021, Tổng đài điện thoại 1022 đã tiếp nhận 6.107 cuộc gọi đến. Trong đó, đã giải đáp/xử lý/tư vấn 3.365 cuộc, chuyển cơ quan khác xử lý theo thẩm quyền 1.161 cuộc gọi. Tổng đài chăm sóc sức khỏe đã chủ động gọi đi 3.699 cuộc, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho F0 713 lượt./.

Tin cùng chuyên mục
Khi Người có uy tín được “trẻ hóa”...

Khi Người có uy tín được “trẻ hóa”...

Trong một thời gian dài, dường như có một sự mặc định ngầm, Người có uy tín phải là những người cao niên, với độ tuổi từ 60 trở lên. Nhưng những năm gần đầy, lực lượng quần chúng đặc biệt này đang dần được trẻ hóa. Cùng với những “cây cao bóng cả” trong đồng bào DTTS, đội ngũ Người có uy tín trẻ đã và đang phát huy được vai trò của mình trong các phong trào ở cơ sở.