Sau ba năm thực hiện Đề án về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”, đến nay nhiều cơ quan, đơn vị, sở ngành, cơ quan, địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai PBGDPL qua mạng xã hội; tạo các trang thông tin về pháp luật; xây dựng tủ sách pháp luật điện tử, có sự tư vấn, phối hợp của các phòng, ban chuyên môn. Tính đến ngày 15/7/2021, Trang Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật của TP. Hà Nội đã đăng tải trên 28.000.000 tin, bài. Hiện có khoảng 13.000- 15.000 người truy cập/01 ngày.
Hơn 96% xã phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Nhờ ứng dụng CNTT, việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các trang thông tin điện tử, đối thoại, giải đáp vướng mắc
pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã và đang phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí. Qua đó, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, người dân trong quá trình tiếp cận thông tin pháp luật.
Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Hà Nội, Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Tính đến 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội đã có 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37% (cao hơn năm 2019: 546/584: đạt tỷ lệ 93,5%). Tại các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL đã giúp mở rộng đối tượng tiếp nhận và nội dung tuyên truyền, tạo thuận lợi cho người dân trong việc nắm bắt các chính sách pháp luật mới.
Các sản phẩm CNTT được TP. Hà Nội ứng dụng hiệu quả thông qua nhiều hình thức, trong đó có các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, như: Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi”; Cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp
luật giỏi về pháp luật phòng chống tham nhũng”; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường”; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19”... Các cuộc thi đã thu hút hàng trăm ngàn người, thậm chí có cuộc thi thu hút hơn 1 triệu lượt người tham gia dự thi. Điều đó cho thấy, người dân thủ đô Hà Nội đã rất tích cực tương tác tìm hiểu pháp luật thông qua việc sử dụng các sản phẩm ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL, các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật...
Nhiều sản phẩm video của cuộc thi đã trở thành sản phẩm truyền thông và truyền hình được tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội), được đăng tải trên Trang Thông tin tuyên truyền PBGDPL và được Bộ Tư pháp kết nối tuyên truyền trên phạm vi toàn quốc...
Đa dạng hình thức tuyên truyền PBGDPL thông qua ứng dụng CNTT
Tận dụng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối internet ngày càng phổ biến, nhiều quận, huyện, sở, ngành, các tổ chức đoàn thể của Hà Nội đã sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube để tuyên truyền PBGDPL...
Điển hình như, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố đã thành lập Fanpage của Hội, vận động tải ứng dụng Hanoi smarcity, NCOVI để cập nhật tình hình dịch bệnh, thực hiện khai báo y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế, tổ chức cuộc thi online trên Trang Fanpage của Hội về Tìm hiểu về dịch Covid-19 và những tác động đến phụ nữ, trẻ em...
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức “Ngoại khóa tìm hiểu pháp luật năm 2020” cho học sinh khối các trường THPT trên địa bàn thành phố theo mô hình đấu trường 100. Theo đó, hệ thống câu hỏi được trình chiếu qua màn hình, thực hiện phát tin PBPL trên loa truyền thanh giữa giờ, thực hiện ít nhất 01 lần xem tin tức trên trang Giáo dục pháp luật, 100% các trường THCS tổ chức sân chơi giáo dục pháp luật trong Ngày pháp luật Việt Nam.
Thành đoàn Hà Nội tổ chức phát động cuộc thi “Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu-Viet Challengem”qua hình thức Livestream (phát trực tiếp trên Fanpage của Thành đoàn); cuộc thi trực tuyến lập trình phòng, chống tác động của dịch bệnh “Hack Cô Vy”; xây dựng clip hướng dẫn quy trình bỏ phiếu: gần 63.000 lượt tiếp cận, 41.000 lượt tương tác, gần 3.000 lượt share; MV thử thách nhảy “Bầu cử trách nhiệm-chống dịch toàn diện” với 150.000 lượt tiếp cận, 65.000 lượt tương tác, gần 2.500 lượt chia sẻ; MV “Ở nhà là chống dịch”; thiết kế tài khoản Zalo official bằng cách quét mã QR để phục vụ công tác kết nối, thông tin, tuyên truyền về bầu cử và phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Công an Thành phố thực hiện công trình thanh niên “Dùng mã QR để truy cập nhanh các thông tin tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”;
Liên đoàn Lao động Thành phố sử dụng nhóm Zalo để tuyên truyền và hướng dẫn hoạt động phòng, chống Covid-19 trong CNVCLĐ (năm 2020, 2021). Tính đến nay có: 3.340 nhóm với 100.981 người tham gia…
Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin thông qua tổ chức các cuộc thi, đưa tin bài qua kênh truyền thông, mạng xã hội, mà Hà Nội còn đa dạng hóa các hình thức PBGDPL thông qua các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở.
Đặc biệt, Hà Nội đã chỉ đạo thí điểm mô hình “Cầu thang pháp luật” bằng hình thức video tại 2 đơn vị Cầu Giấy, quận Thanh Xuân. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình này triển khai rất phù hợp với việc tuyên truyền qua thiết bị điện tử trong khu đô thị, khu chung cư hoặc những nơi có lắp đặt thiết bị tại địa điểm công cộng. Thành phố đang tiếp tục triển khai thí điểm mô hình tuyên truyền pháp luật qua thiết bị điện tử theo hình thức inforghapic theo chủ đề giao thông, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phòng, chống tác hại của rượu bia..
Với sự vận dụng linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền PBGDPL đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp định hướng dư luận một cách đúng đắn, nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân. Từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ người dân Thủ đô trong việc tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật.