Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm 2017, cả nước có khoảng gần 200.000 người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của các doanh nghiệp được huấn luyện; có hơn 7.000.000 lao động được huấn luyện bao gồm người lao động (NLĐ), người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và cả NLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp, trong làng nghề, khu vực phi kết cấu.
Tuy nhiên, đánh giá về thực trạng triển khai quy trình huấn luyện, đại diện Cục ATVSLĐ thừa nhận, vẫn còn gần 35 triệu lao động, chủ yếu ở khu vực phi chính thức, chưa được huấn luyện. Bên cạnh đó, chất lượng huấn luyện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nội dung huấn luyện chưa gắn với thực tiễn tại nơi làm việc; tình trạng mua bán giấy chứng nhận huấn luyện vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến TNLĐ hiện vẫn là vấn đề nhức nhối. Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 2 năm 2016 và 2017, cả nước xảy ra 8.956 vụ TNLĐ, làm 9.173 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động). Trong đó, 892 người bị chết, 1.915 người bị thương nặng; có 2.727 lao động bị nạn là nữ giới.
TNLĐ xảy ra trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 23,8% tổng số vụ. Đáng chú ý, đây cũng là lĩnh vực có tỷ lệ về số người chết vì TNLĐ ở mức cao nhất so với các lĩnh vực khác (chiếm tới 24,5% tổng số người chết). Theo các chuyên gia, hơn 80% công nhân ngành Xây dựng, là lao động thời vụ và lao động tự do; phần nhiều trong số họ chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động rất kém, chỉ biết làm lấy ngày công, ít khi quan tâm đến an toàn lao động.
Những tháng đầu năm 2018, tình hình TNLĐ lại có dấu hiệu gia tăng đáng báo động, nhất là ở những thành phố lớn. Đơn cử, ngày 17/1/2018, tại công trình xây dựng dự án bãi gửi xe trên đường Tố Hữu, phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm (Hà Nội), sau khi hoàn thành việc đổ bê tông mái, bất ngờ giàn giáo công trình bị đổ sập khiến 3 công nhân chết và 3 người khác bị thương. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn Thành phố đã xảy ra 15 vụ tai nạn làm chết người.
Để bảo đảm ATVSLĐ, nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Trong lĩnh vực này, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 quy định về quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Thông tư này đề cập đến trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình. Ngoài ra, Thông tư còn nói rõ: NLĐ có quyền từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp nhưng không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế NLĐ lại rất mù mờ về quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trong hầu hết các vụ TNLĐ, việc bồi thường thiệt hại theo hướng thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Đây chính là một rào cản rất lớn trong nỗ lực giảm thiểu TNLĐ.
TÙNG NGUYÊN