Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Hạn mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống

Minh Thu - 07:54, 09/04/2024

Thời gian gần đây, các tỉnh phía Nam xảy ra nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, nhiều hộ dân đã gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đẩy mạnh phân vùng sản xuất vừa ứng phó với xâm nhập mặn, vừa nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm nông nghiệp.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đẩy mạnh phân vùng sản xuất vừa ứng phó với xâm nhập mặn, vừa nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm nông nghiệp.

Xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp

Theo thống kê của ngành chức năng, từ cuối tháng 1/2024 đến nay, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đối mặt với 2 đợt mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Diễn biến mặn ngày càng khốc liệt hơn và tác động đến đời sống, sản xuất, khiến người dân đứng ngồi không yên vì nỗi lo thiếu nước ngọt.

Hiện nay, tại các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… độ mặn 4‰, xâm nhập sâu khoảng 22 km (tại xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), độ mặn 1,0‰ xâm nhập sâu khoảng 26 km đến (tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Tại tỉnh Tiền Giang, qua khảo sát ở huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, nhiều con kênh đã cạn nước. Nguồn nước còn lưu trữ trong các kênh nội đồng cũng đã cạn kiệt. Trong đó, một số tuyến kênh chính lấy nước đưa về phía biển chỉ còn giữ nước chân nhằm tránh sạt lở.

Theo ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn năm 2024 ở địa phương đến sớm hơn, lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Độ mặn khu vực sông Tiền cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016, 2021 và 2023.

Còn theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn năm nay cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15 km, đã tác động đến sản xuất nông nghiệp của toàn khu vực.

Tại Tiền Giang có khoảng 35.000ha cây ăn trái như sầu riêng, cây có múi, vú sữa… mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, người dân sản xuất 22.000ha sầu riêng tại Tiền Giang được tập huấn các giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái trước hạn, mặn. 

Sở cũng đã khuyến cáo người sản xuất, chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, đảm bảo đủ tưới và cung cấp dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu cây trồng, tăng cường sử dụng vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô giữ ẩm cho cây để tránh những nguy cơ thiệt hại sau hạn hán và xâm nhập mặn.

Các tỉnh cũng cần lưu ý về lâu dài, trong các kịch bản ứng phó cần chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, bố trí lại dân cư theo hướng tập trung, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cấp nước nông thôn, quản lý, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm bảo vệ môi sinh, môi trường.

Trần Hồng HàPhó thủ tướng Chính phủ

Dù đã kinh nghiệm nhiều năm ứng phó, nhưng nếu hạn, mặn kéo dài thì diện tích sản xuất cây ăn trái của nhiều địa phương sẽ bị ảnh hưởng. 

Theo ông Lê Ngọc Sơn, ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, ngay từ giữa năm 2023, địa phương đã phát động người dân trữ nước để tưới cây ăn trái trong mùa hạn mặn 2024. Gia đình ông Sơn trữ 1.200 m3 nước phục vụ cho 6.000 m2 sản xuất sầu riêng. Nhưng cây sầu riêng rất nhạy cảm với độ mặn, chỉ cần độ mặn 0,2‰ thì đã không thể tưới sầu riêng. Do đó, việc trữ nước là giải pháp để cứu vườn sầu riêng sống được qua mùa hạn mặn, chứ không thể giữ vườn đạt chất lượng như mong muốn. Với năng lực của gia đình, lượng nước trữ sử dụng trong 2 tháng tiếp theo với chế độ tưới tiết kiệm, phun xịt chống sâu bệnh, nếu vượt qua thời gian này, toàn bộ vườn sầu riêng sẽ chết do thiếu nước tưới, độ mặn lắng tụ trong đất sau nhiều lần tưới nước nhiễm mặn, dù vẫn ở ngưỡng mặn cho phép. Như vậy thiệt hại kinh tế sẽ lên tới gần 4 tỷ đồng/ha.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tám, ấp Thân Bình, xã Thân Hữu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đang rất lo lắng cho 3.200 m2 rau các loại trước diễn biến hạn mặn khốc liệt năm nay. “Mặc dù tôi đã áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm và trang bị màn phủ chống thoát nước, nhưng nguồn nước dự trữ hiện đang cạn dần, sẽ gây khó khăn cho gia đình đang sản xuất rau xanh”, ông Tám nhận định.

Nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Triển khai nhanh, khẩn trương công trình, dự án liên quan phòng, chống hạn mặn

Nhằm kiểm tra tình hình ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn, giải quyết nước sinh hoạt phục vụ Nhân dân trong mùa khô 2023 - 2024, ngày 7/4, tại Tiền Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An và Cà Mau. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo của các địa phương về diễn biến thiên tai, những biện pháp, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp từng vùng, địa phương để đảm bảo sản xuất, đời sống người dân trong tình hình diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn phức tạp, kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, các địa phương đã bảo vệ thành công sản xuất lúa vụ Đông Xuân, vùng trồng cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, giải quyết kịp thời nước sinh hoạt và sản xuất, không để người dân những nơi khó khăn bị thiếu nước dùng trong các tháng cao điểm hạn mặn.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã lưu ý các tỉnh, trên cơ sở giải pháp và kinh nghiệm ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn đã đúc kết để chú trọng xây dựng kịch bản, phương án ứng phó chiến lược, dài hơi, kết nối giữa trong tỉnh và liên tỉnh, liên vùng phù hợp với diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn. Đồng thời, giải quyết nguồn nước sinh hoạt phục vụ Nhân dân những nơi khó khăn, không để người dân thiếu nước sinh hoạt;

Cùng với đó, các tỉnh cần quan tâm huy động tốt nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng thủy lợi, giao thông, phòng, chống hạn mặn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất phù hợp với quy hoạch từng tỉnh, vùng và liên vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Triển khai nhanh, khẩn trương công trình, dự án liên quan phòng, chống hạn mặn; đồng bộ với phòng, chống lũ lụt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả, có tính chiến lược lâu dài.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các tỉnh cũng cần lưu ý về lâu dài, trong các kịch bản ứng phó cần chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, bố trí lại dân cư theo hướng tập trung, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cấp nước nông thôn, quản lý, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm bảo vệ môi sinh, môi trường.



Tin cùng chuyên mục
"Lấp khoảng trống" cho những trái tim non ớt...

"Lấp khoảng trống" cho những trái tim non ớt...

Thiếu cha, vắng mẹ, cuộc sống khó khăn… đường tương lai của những đứa trẻ kém may mắn ở miền sơn cước Tương Dương (Nghệ An) như dài hơn, chông gai và nhọc nhằn hơn. Đáng trân trọng thay, khi đang có rất nhiều em đã được các tổ chức, đoàn thể địa phương nhận đỡ đầu, hỗ trợ bằng cả tinh thần lẫn vật chất, việc làm này đã “lấp đầy khoảng trống” những trái tim non ớt của những đứa trẻ miền sơn cước...