Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực: Mở ra những cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam

PV - 10:34, 11/01/2019

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, với sự đồng thuận rất cao (100% đại biểu có mặt biểu quyết nhất trí). Có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, trước thềm năm mới 2019, mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có vùng DTTS, miền núi.

CPTPP được đánh giá là một Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Không chỉ mở ra những cơ hội mới mà còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực cũng mở ra nhiều cơ hội về thị trường cho sản phẩm nông sản, đặc sản của vùng DTTS, miền núi. Hiệp định CPTPP có hiệu lực cũng mở ra nhiều cơ hội về thị trường cho sản phẩm nông sản, đặc sản của vùng DTTS, miền núi.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng, đúng đắn. Tham gia CPTPP sẽ thúc đẩy Việt Nam phải tăng năng suất lao động, thúc đẩy phải ứng dụng khoa học, công nghệ, cải cách thể chế… Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội), nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường bên ngoài, nếu muốn ổn định sự phát triển này, đương nhiên Việt Nam phải giữ được cam kết với các thị trường bên ngoài. Như vậy, Việt Nam rất cần thiết tham gia vào Hiệp định CPTPP để giữ vững thị trường, để đảm bảo ổn định kinh tế.

Đối với vùng DTTS, miền núi, CPTPP sẽ tác động trực tiếp đến những cơ hội về thị trường, về việc làm. Các sản phẩm nông sản, đặc sản của vùng đồng bào DTTS, miền núi có cơ hội xuất khẩu, vươn xa ra thị trường quốc tế. Đây là một lợi thế rất cơ bản. Bởi vì khi Việt Nam gia nhập CPTPP, có rất nhiều cam kết mở cửa thị trường các nước dành cho Việt Nam ở mức rất cao. Ở nhiều lĩnh vực như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... đều đạt được thỏa thuận chất lượng cao. CPTPP sẽ tác động tích cực khá tập trung vào những ngành có tác động nhiều đến nông nghiệp, nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thì sản phẩm của đồng bào DTTS muốn vươn xa hơn nữa cần tuân thủ những quy trình khắt khe về chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng bao bì, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm… Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phân tích: Tham gia CPTPP là cơ hội tốt, song đây là một thị trường rất khó tính. Khu vực này sẽ yêu cầu chất lượng cao, an toàn thực phẩm và giá cả cạnh tranh.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định: Năm 2019 là năm đầu tiên thực thi CPTPP, một số nhóm hàng sẽ bắt đầu có thuế quan bằng 0, một số nhóm bắt đầu lộ trình cắt giảm dài hơn. Có thể tạo ra những tiềm năng tốt cho tăng trưởng trong năm 2019. Để thực thi tốt và đón cơ hội từ CPTPP, Việt Nam cần chủ động, có đề án rà soát sửa đổi các luật có liên quan về thương mại, hải quan, lao động, sở hữu trí tuệ... Phát huy hết các cơ hội kinh doanh. Tận dụng tối đa việc liên kết toàn diện về cả kinh tế, môi trường, giáo dục, sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa, chính sách xã hội…Và đặc biệt là phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đầu năm mới 2019, khi Hiệp định CPTPP chính thức được thực thi, đòi hỏi Việt Nam cần phải có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp; mở ra những cơ hội lớn cho các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có sản phẩm của đồng bào DTTS có điều kiện vươn xa hơn nữa.

THANH HUYỀN