Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hiệu quả Đề án tuyên truyền ở vùng biên

PV - 21:00, 01/08/2021

Giai đoạn 2 Đề án tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo của tỉnh Nghệ An được triển khai từ năm 2017. Tính hiệu quả của đề án đã được chứng minh ở nhiều xã bản vùng sâu, vùng xa. Nhận thức của bà con nhân dân về pháp luật, an ninh trật tự xã hội đã có những chuyển biến tích cực.

Phụ nữ bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn cùng cán bộ Biên phòng tặng gạo cho hội viên nghèo
Phụ nữ bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn cùng cán bộ Biên phòng tặng gạo cho hội viên nghèo

Xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, địa hình rừng núi hiểm trở, chia cắt các bản làng, đời sống bà con Nhân dân còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh vẫn còn thiếu, trình độ dân trí thấp, số người chưa biết tiếng phổ thông vẫn còn nhiều khiến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gặp phải không ít trở ngại. Theo ông Xeo Văn Pòm, Bí thư chi bộ bản Huồi Phuôn 1, xã Keng Đu thì việc tập trung dân bản chỉ cần thông báo trên loa là người dân đến đông đủ nhưng do nhà văn hoá cộng đồng đã xuống cấp, nhất là vào mùa mưa; hệ thống truyền thanh cơ sở đã cũ nên việc đưa thông tin đến với đồng bào nơi đây gặp nhiều trở ngại.

Để triển khai hiệu quả Đề án trên địa bàn, đồn Biên phòng Keng Đu đã phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền lưu động tới tận đường làng, ngõ bản, mỗi người dân ai ai cũng có thể lắng nghe các thông tin về pháp luật, an ninh biên giới. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại, thời lượng tuyên truyền đã được tăng cường, bằng cả tiếng phổ thông và ngôn ngữ của đồng bào.

Ông Lương Văn Thoong, Phó Chủ tịch UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau khi có chủ trương, xã đã kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp với đồn biên phòng và các lực lượng thành lập đội liên ngành tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân, ngoài tuyên truyền tập trung lực lượng liên ngành còn tổ chức tuyên truyền lưu động đến các bàn làng theo định kỳ và đột xuất.

Là lực lượng thường trực thực hiện Đề án, Bộ đội biên phòng Nghệ An đã vận dụng sáng tạo các cách thức tuyên truyền, với mục tiêu: đưa tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân một cách gần gũi, kịp thời nhất; gắn việc nói với làm, để bà con dễ tiếp thu và đồng lòng bảo vệ an ninh biên giới, tuân thủ các quy định pháp luật.

Chính vì thế, nhiều mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện, điển hình như mô hình Câu lạc bộ trồng rau, dưa trên rẫy của chị em phụ nữ bản Huồi Viêng xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, thu nhập từ những sản phẩm đã giúp chị em có nguồn vốn, hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc.

Chị Hờ Y Nhúa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Thu hoạch một mùa rau một mùa dưa cả năm được khoảng 200 triệu, cũng giúp cải thiện được rất nhiều cho các gia đình. Chị em cũng đã phối hợp với đội Vận động quần chúng đồn biên phòng Na Loi thường xuyên nắm tình hình, có gì thì kịp thời báo cáo với đồn và ban quản lý bản.

Việc quan tâm đến đời sống của bà con, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào đã làm cho sự gắn bó quân - dân càng thêm bền chặt. Bởi thế, Nhân dân đã tích cực tham gia cùng Bộ đội biên phòng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cần mẫn và trách nhiệm, những người lính quân hàm xanh đã tham gia cùng bà con lao động sản xuất. Người dân thiếu con giống, bộ đội cấp giống; người dân thiếu khoa học kỹ thuật, bộ đội bắt tay vào hướng dẫn tận tình. Những mâu thuẫn trong từng gia đình, trong cộng đồng dân cư được giải quyết với tinh thần “lạt mềm buộc chặt”. Thông qua những việc làm như thế, bà con chấp hành và tuân thủ quy định pháp luật một cách tự nguyện.

Đáng chú ý như đề án tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình ở địa bàn xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương. Trước đây, mỗi lần uống rượu vào hoặc khó khăn trong cuộc sống là anh La Văn Lỳ, bản Phồng lại có hành vi bạo lực với vợ con. Tuy nhiên, sau nhiều lần hội viên kiên trì tuyên truyền, vận động, anh Lỳ đã nhận thức được việc làm sai trái của mình. Câu lạc bộ và đồn Biên phòng còn hỗ trợ gà giống để giúp gia đình anh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ sự chia sẻ, động viên đó đã thức tỉnh, giúp anh quyết tâm sửa chữa và cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Bộ đội biên phòng Nghệ An đã vận dụng sáng tạo nhiều biện pháp để Nhân dân có thể tiếp cận được các văn bản pháp luật từ các phương tiện khác nhau. Mô hình “tờ rơi tiếng dân tộc” của đồn biên phòng Nhôn Mai là một ví dụ. Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đã thành lập ban biên tập bao gồm những cán bộ, chiến sỹ đọc thông, viết thạo ngôn ngữ bản địa, biên dịch lại nội dung tờ rơi quy ước, phát cho đồng bào các dân tộc ít người để bà con dễ tiếp cận.

Thượng tá Nguyễn Thế Hùng, Chính trị viên Đồn biên phòng Nhôn Mai cho biết: Chúng tôi biên soạn các nội dung tuyên truyền đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, bằng tiếng của đồng bào, kể các tờ rơi hay bản tin đọc hàng ngày trên loa truyền thanh của các xã, bản. Cụ thể ở đây là bằng tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khơ Mú, vì thực tế ở trong địa bàn một số đồng bào chưa biết tiếng phổ thông, nhất là đối với phụ nữ và người già. Hai là chúng tôi soạn lời cho các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, trong đó có nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật, sau đó biểu diễn cho đồng bào xem, vì đồng bào rất yêu các làn điệu dân ca quê nhà. Trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi lại phát các làn điệu dân ca này trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản; hoặc trên các trang zalo, Facebook của xã, giúp nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào.

Một đề án được ban hành bằng hệ thống văn bản pháp quy đã đến với Nhân dân qua nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả. Điều này đã chứng minh cho sự nỗ lực của những người lính quân hàm xanh từ bàn tay chịu khó và trí tuệ năng động. Qua 5 năm triển khai, Nhân dân đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn biên giới quốc gia, bảo quản đường biên, cột mốc; qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển vùng biên, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới. Các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn xã hội giảm đáng kể, an ninh chính trị ổn định; góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nơi mảnh đất biên cương của Tổ quốc./.