Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Hiệu quả mô hình Đội Xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã

PV - 14:11, 26/08/2019

Để nâng cao hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, nhiều địa phương đã triển khai, thành lập mô hình “Đội Xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã” (ĐXKPCTT). Mô hình đã cho thấy tính hiệu quả và cần thiết thông qua việc khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trong thời gian qua tại nhiều địa phương, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Việc thành lập Mô hình ĐXKPCTT được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), đảm bảo việc phản ứng nhanh trong phòng, chống thiên tai. Các thành viên tham dự mô hình ĐXKPCTT cấp xã được tập huấn về kiến thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai, xây dựng được phương án ứng phó với các loại hình thiên tai: Bão mạnh; Lũ lớn; Lũ quét, sạt lở đất… Qua đó có thể giải quyết, ứng phó tốt với diễn biến xấu của thiên tai.

Đội XKPCTT diễn tập phòng chống thiên tai. (Ảnh nhân vật cung cấp) Đội XKPCTT diễn tập phòng chống thiên tai. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hiệu quả của ĐXKPCTT đã được thể hiện thông qua 2 mô hình tại Thanh Hóa và Sơn La. Cụ thể, ĐXKPCTT xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy được thành lập năm 2018, trong quá trình hoạt động, đặc biệt là tiến hành ứng phó với diễn biến thiên tai do cơn bão số 3 (bão Wipha) gây ra vừa qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Cao Vũ Hải, Đội trưởng ĐXKPCTT xã Cẩm Thủy cho biết: “ĐXKPCTT xã Cẩm Thủy được thành lập với 50 thành viên, lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ sẵn sàng có mặt sau khi có lệnh điều động từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để giải quyết những tình huống xấu trong phòng, chống thiên tai. Khi nhận được tin khẩn cấp về nguy cơ xảy ra lũ quét trên địa bàn, ngay lập tức ĐXKPCTT được huy động và tiến hành di dời hơn 1.000 người dân tại 2 thôn, qua đó không có thiệt hại về người khi lũ về”.

Tương tự, ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Năm 2018, trên địa bàn huyện Mai Sơn xảy ra các đợt mưa to kéo dài kèm theo gió lốc, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Cụ thể, làm 2 người chết do lũ cuốn trôi, 980 nhà bị ảnh hưởng, gần 900ha hoa màu bị thiệt hại...

Ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện đã quán triệt, triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ và 3 sẵn sàng, qua đó xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, bản, tiểu khu. Đội XKPCTT xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn được thành lập với gần 100 thành viên ban đầu, qua đó rèn luyện, xây dựng lực lượng vững chắc, chủ động phòng, chống mưa lũ năm 2019.

Thành viên Đội XKPCTT giúp người dân di tản Thành viên Đội XKPCTT giúp người dân di tản

Mùa mưa lũ năm 2019, ĐXKPCTT xã Chiềng Lương đã tiến hành khoanh định vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, ngập lụt để có phương án phòng tránh phù hợp. Khi cơn bão số 3 đổ bộ, mặc dù gây mưa lớn, lũ quét và ngập lụt trên địa bàn, tuy nhiên đã không có thiệt hại về người, do người dân đã sớm được ĐXKPCTT thông báo, di rời khỏi những nơi nguy hiểm đã được khoanh vùng.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngoài việc thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng về khả năng ứng phó thiên tai thì việc rất quan trọng là phải xây dựng cho được Đội Xung kích ứng phó, khắc phục thiên tai tại cộng đồng. Hiện có nhiều địa phương đã phát huy rất tốt vai trò của cộng đồng trong công tác PCTT, phát huy rất tốt vai trò của các Đội Xung kích, bởi chính họ là những người chịu tác động trực tiếp do thiên tai gây ra. Trong thời gian tới đây, cần có một chương trình hoàn thiện nhân rộng mô hình ĐXKPCTT ra cả nước, đặc biệt là các địa phương hay xảy ra thiên tai trong mùa mưa, lũ.

NGHĨA HIỆP

Tin cùng chuyên mục