Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hiệu quả mô hình gia đình, dòng họ học tập

PV - 15:08, 29/07/2019

Tuy đời sống kinh tế trên địa bàn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác khuyến học, khuyến tài luôn được quan tâm. Nhằm thúc đẩy con em DTTS nâng cao chất lượng học tập, những năm gần đây, huyện xây dựng mô hình “dòng họ học tập” trong vùng đồng bào DTTS được đông đảo cộng đồng ủng hộ.

Bà Rmah H’Đoan khoe Giấy khen và thành tích học tập của con cháu. Bà Rmah H’Đoan khoe Giấy khen và thành tích học tập của con cháu.

Tại huyện Ia Pa, những năm qua, công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào thi đua xây dựng mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” được đẩy mạnh; 9/9 xã đều đã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng. Đồng thời, các cấp ủy đảng đã có nhiều chủ trương, biện pháp, chỉ đạo với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thường xuyên vận động, kêu gọi Nhân dân tham gia học tập. Nhờ đó phong trào xây dựng xã hội học tập luôn được đẩy mạnh, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS.

Dòng họ ông Nay Nam, hiện là Già làng, Bí thư Chi bộ thôn Piăh A, xã Ia Tul là một trong những gương sáng về dòng họ hiếu học của huyện Ia Pa. Ông Nay Nam cho biết: khi trong nhà con cháu đậu đại học, cao đẳng, dòng họ sẽ góp tiền lại để cho con cháu đi học. Nếu các cháu cần tiền gấp để trang trải học tập, thì gia đình sẽ bán gia súc, nông sản để gửi tiền cho con, cháu. Không chỉ hỗ trợ về tiền mặt, ông cùng với những người cao tuổi trong dòng họ thường xuyên vận động, chỉ bảo con cháu cố gắng học hành, làm người tốt. Đến nay, dòng họ nhà ông có nhiều con cháu thành tài, làm việc trong các cơ quan nhà nước như: Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, giáo viên…

Tương tự, dòng họ nhà bà Rmah H’Đoan, làng Plei Amalim, xã Chư Mố có 6 gia đình với tổng cộng 51 người, trong đó có 9 con cháu đang trong độ tuổi đi học. Những năm qua, dòng họ bà Rmah H’Đoan xây dựng mô hình dòng học học tập đạt được những kết quả tích cực. Bà Rmah H’Đoan cho biết: mặc dù kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nhưng các gia đình đều cố gắng cho con cháu đi học. Để có tiền lo cho các con, cháu đi học bà đã vận động gia đình và các chị em trong dòng họ tự nguyện đóng góp 200 ngàn đồng/gia đình/tháng để xây dựng quỹ khuyến học của dòng họ. Các con, cháu sau này học xong có việc làm ổn định sẽ về lo cho các em để tiếp tục con đường học hành. Khi các cháu hoàn thành chương trình học THPT, đậu cao đẳng, đại học cả dòng họ tổ chức cúng mừng, báo cáo thành tích với tổ tiên. “Dòng họ đã góp tiền cho con cháu đi học từ cách đây hơn 20 năm và rất nhiều các dòng họ khác trong làng cũng đã làm theo cách làm này để khuyến khích con cháu chăm chỉ học hành”, bà Rmah H’Đoan nói.

So với các dòng họ khác ở địa phương, dòng họ của bà Rmah H’Đoan rất ít người, nhưng có gần 30 người có trình độ từ tốt nghiệp THPT trở lên. Trong đó, 1 người có trình độ thạc sĩ, 14 người tốt nghiệp đại học, 5 người tốt nghiệp cao đẳng, 7 người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

Ông Ksor Thất, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ia Pa chia sẻ: Thời gian gần đây, Nhân dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của học tập, xây dựng gia đình, dòng họ học tập. Ý thức học tập được nâng lên xuất phát từ nhận thức học để thoát nghèo, nâng cao dân trí, học tập để làm việc, hòa nhập cộng đồng của Nhân dân. Theo đó, toàn huyện hiện có 1.676/11.967 hộ được công nhận “Gia đình học tập”; 27/256 dòng họ được công nhận là “Dòng họ học tập”; 12/51 thôn, làng được công nhận là “Cộng đồng học tập” và 6/32 đơn vị được công nhận là “Đơn vị học tập”.

THÙY DUNG

Tin cùng chuyên mục