Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Hiệu quả từ những phiên tòa xét xử lưu động

Thiên Đức - 06:43, 18/01/2021

Thời gian qua, ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã mở nhiều phiên tòa xét xử lưu động (XXLĐ). Thông qua hình thức xét xử này, đã giúp nhiều người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận pháp luật một cách sinh động.


Quang cảnh phiên tòa XXLĐ ở Thái Nguyên
Quang cảnh phiên tòa XXLĐ ở Thái Nguyên

Tham dự phiên tòa XXLĐ sơ thẩm 2 vụ án hình sự về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Đánh bạc” ở UBND xã Văn Hán do TAND huyện Đồng Hỷ tổ chức, chúng tôi cảm nhận sự quan tâm đặc biệt của quần chúng Nhân dân. Với sự chuẩn bị chu đáo, trước lúc phiên tòa diễn ra 5 phút, đã có rất đông người dân đến Hội trường UBND xã để tham dự. 

Các đối tượng cùng trú tại xã Văn Hán bị đưa ra xét xử tại phiên tòa là: Hoàng Văn Đuổng, sinh năm 1966, trú tại xóm Cầu Mai, bị truy tố về tội Mua bán trái phép chất ma túy với số lượng 1,137g heroin; Đỗ Văn Tám, sinh năm 1984, trú tại xóm Hòa Khê, bị truy tố về tội đánh bạc.

Trong phần tranh luận, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã lồng ghép tuyên truyền, giải thích các quy định của pháp luật; chỉ ra những hậu quả của hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và hành vi đánh bạc một cách dễ hiểu nhất cho người dân. Xét chứng cứ phạm tội của các bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt tù giam đối với Hoàng Văn Đuổng 8 năm tù; Đỗ Văn Tám là 6 tháng tù.

Kết thúc phiên tòa, bà Chu Thị Thi, dân tộc Nùng, ở xã Văn Hán chia sẻ, đây là lần đầu tiên bà được tham dự một phiên tòa XXLĐ. Qua đây, bản thân bà đã hiểu hơn các quy định của pháp luật. 

"Nếu như trước đây, tôi nghĩ rằng, chỉ có đánh lô đề, xóc đĩa mới là đánh bạc nhưng nay tôi hiểu, dù là bất cứ hình thức nào chỉ cần cá cược được thua bằng tiền đều là đánh bạc. Ví dụ như cá cược trâu bò húc nhau, hay đánh cờ tướng mà cược tiền cũng là đánh bạc. Thời gian tới, nếu thấy con cháu trong nhà mà cá cược, là tôi sẽ khuyên can ngay vì hậu quả xử phạt là rất nghiêm khắc", bà Thi nói.

Ông Lê Huy Bắc, Chánh án TAND huyện Đồng Hỷ cho biết: Đồng Hỷ là huyện miền núi có 8 dân tộc chủ yếu sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 50%. Do đó, để tuyên truyền phổ biến pháp luật hiệu quả, ngành tòa án đã lựa chọn nhiều vụ việc đưa ra xét xử lưu động. 

Trung bình mỗi năm, TAND huyện Đồng Hỷ đưa ra XXLĐ từ 20-25 vụ án tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Các phiên tòa XXLĐ được diễn ra an toàn, hiệu quả, đúng luật và ngày càng được người dân quan tâm. Điều đó được chứng tỏ qua việc mọi người đến xem xét xử khá đông, ngồi dự nghiêm túc từ đầu đến cuối phiên tòa.

Thẩm phán tuyên án tại phiên tòa XXLĐ
Thẩm phán tuyên án tại phiên tòa XXLĐ

Không riêng huyện Đồng Hỷ, nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS trong tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng mở các phiên tòa XXLĐ. Theo thông tin từ TAND tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2016 - 2020, TAND tỉnh thụ lý 28.580 vụ, việc các loại; đã giải quyết được 27,113 vụ việc, đạt tỷ lệ chung 98%. Trong đó, năm 2020 thụ lý 6.977 vụ, việc các loại, đã giải quyết 6.485 vụ việc, đạt tỷ lệ chung 93%, số lượng vụ việc, sự việc chưa giải quyết vẫn còn nằm trong luật định.

Theo đó, nhằm “mục tiêu kép” là đảm bảo tính công bằng, khách quan; đồng thời tuyên truyền hiểu biết pháp luật trong quần chúng Nhân dân, Tòa án Nhân dân 2 cấp (huyện, tỉnh) của Thái Nguyên đã đưa nhiều vụ án ra XXLĐ, nhất là các vụ án hình sự. Trung bình mỗi năm, tỉnh đưa gần 200 vụ án ra XXLĐ thu hút đông đảo Nhân dân tới chứng kiến phiên tòa. Qua đó, quần chúng Nhân dân có điều kiện trực tiếp tiếp cận pháp luật, vận dụng vào cuộc sống hiện tại.

Để nâng cao chất lượng của các phiên tòa XXLĐ, thời gian tới, ngành tòa án tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành thăm dò dư luận để đánh giá hiệu quả các hình thức trong việc tuyên truyền pháp luật cho người dân.


Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.