Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả từ việc quy hoạch, sắp xếp lại dân cư

PV - 10:38, 10/07/2018

Từng khu dân cư tập trung, quy củ được mọc lên, cuộc sống, sinh hoạt ổn định đang dần hiện hữu ở những khu dân cư mới theo Đề án quy hoạch, sắp xếp dân cư của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ 242 khu dân cư xuống còn 117 khu để tạo bước đột phá về dân sinh. Trong năm 2017 đã có 14 khu dân cư được khởi động trong niềm vui, phấn khởi của đồng bào DTTS ở vùng đất còn nhiều gian khó này.

Làng Long Túc, thôn 5, xã Trà Nam nằm trên sườn núi. Đây là khu dân cư tập trung vừa hoàn thành quy hoạch, sắp xếp dân cư. Dựng nhà mới, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa trong kiến trúc nhà gỗ truyền thống của đồng bào. Mỗi căn nhà mới đều có hàng rào thép bảo vệ chắc chắn. Không khó để chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi của đồng bào Xơ-đăng trong những căn nhà mới.

 Một góc khu dân cư mới-làng Long Túc, thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My. Một góc khu dân cư mới-làng Long Túc, thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My.

Tay bế đứa con nhỏ trong căn nhà ngay đầu làng, chị Đinh Thị Liễu chỉ tay về phía núi chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây ở bên kia đỉnh núi, ở đó có nguy cơ sạt lở cao. Được cán bộ vận động, tháng 6/2017, gia đình tôi chuyển về nơi ở mới. Đến đây, gia đình tôi được hỗ trợ tiền làm nhà, hỗ trợ phát triển sản xuất. Tôi thường xuyên được tham gia họp thôn và các cuộc đối thoại với các cấp lãnh đạo xã, huyện. Cán bộ thường xuyên hướng dẫn chúng tôi ăn ở hợp vệ sinh, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi”.

Cách đó không xa là gia đình anh Hồ Văn Dễ. Căn nhà gỗ rộng rãi, thoáng đãng vừa được hoàn thành theo kiến trúc truyền thống của đồng vào Xơ-đăng. “Trước đây, gia đình chúng tôi và một số hộ ở cheo leo trên núi, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt là việc học hành của trẻ em bị đứt quãng do đường sá quá xa. Người ốm đau thì phải cõng, khiêng đi bộ xuống bệnh viện. Chúng tôi rất vui khi được chính quyền quan tâm cho đến nơi ở mới, thuận tiện đường sá, đi lại. Mong ước của chúng tôi là thôn làng có điện để cải thiện đời sống. Thấy cán bộ về dựng cột điện và nói rằng điện lưới quốc gia sắp về tới làng nên chúng tôi phấn khởi lắm”.

Mặt bằng chung của xã Trà Nam nói riêng và huyện Nam Trà My nói chung là mảnh đất rất nghèo khó. Riêng xã Trà Nam, vẫn còn gần 50% hộ nghèo với gần một nửa dân số chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Kinh tế của đồng bào DTTS nơi đây chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài trồng bắp, lúa, trồng mỳ, đồng bào chăn nuôi trâu, bò.

Là xã dẫn đầu về tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp dân cư trong năm vừa qua, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho biết: việc triển khai thực hiện đề án sắp xếp dân cư được hầu hết bà con đồng tình, ủng hộ. Đây là chủ trương rất phù hợp, giải quyết được tình trạng dân cư sống thưa thớt, không tập trung, khó khăn cho việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng. Quan trọng hơn nữa, là đảm bảo được sự ổn định, an toàn trong dân, tránh những vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ quét…

Tính đến năm 2017 toàn huyện Nam Trà My có 43 thôn nhưng lại có tới 242 khu dân cư nằm rải rác trên các triền núi xa xôi, cách trở, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp khó khăn. Trước thực trạng này, huyện Nam Trà My đã xây dựng đề án sắp xếp, bố trí lại dân cư theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong năm 2017, huyện triển khai thực hiện đề án bố trí, sắp xếp lại 14 khu dân cư với 802 hộ dân tại 10 xã. Tổng kinh phí thực hiện hơn 71 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước đầu tư khoảng 49,2 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng đường giao thông, nước sinh hoạt tập trung, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa, công trình thủy lợi; hỗ trợ san nền, làm nhà, làm công trình vệ sinh, kéo điện và làm chuồng trại chăn nuôi...

Còn lại khoảng 21,8 tỷ đồng được huy động từ nhân dân bằng hình thức đóng góp ngày công thực hiện. Mỗi hộ dân khi ra khu ở mới sẽ được bố trí diện tích đất khoảng 500m2, trong đó đất ở khoảng 60m2 còn lại đất vườn. Huyện Nam Trà My đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc để tuyên truyền, vận động từng hộ nắm rõ chủ trương nên đến nay đã có những khởi sắc tích cực.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: huyện triển khai thực hiện bố trí, sắp xếp lại dân cư nhằm tạo nên một khu dân cư mới có đủ không gian sinh sống, chăn nuôi, sản xuất cho từng hộ gia đình và tiện cho việc triển khai đầu tư các công trình phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm. Qua một năm thực hiện cho thấy, có những đổi thay tích cực từ nhận thức cho đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân. Đây chính là bước đột phá và cũng là tiền đề quan trọng để Nam Trà My nhanh chóng thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhân dân thoát nghèo bền vững.

Có thể thấy, việc sắp xếp, bố trí lại dân cư là chủ trương rất đúng đắn của huyện Nam Trà My. Đặc biệt, thiên tai, sạt lở đất những năm gần đây đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho vùng đồng bào DTTS ở những vùng nguy hiểm. Vì vậy, đảm bảo an toàn, giúp dân ổn định cuộc sống là việc làm cấp thiết hơn bao giờ hết.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.