Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Hiệu quả từ việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung

PV - 11:38, 01/04/2019

Được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, cấp đất sản xuất nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhiều hộ dân di dời trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất ra vùng cát ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) giờ đây đã dần ổn định, phát huy hiệu quả.

Mô hình chăn nuôi vịt đẻ tại khu chăn nuôi tập trung thôn Trung An. Mô hình chăn nuôi vịt đẻ tại khu chăn nuôi tập trung thôn Trung An.

Tập quán chăn nuôi, trồng trọt ngay trong khu dân cư đã tồn tại từ lâu đời ở vùng nông thôn, trong đó có vùng biển bãi ngang. Thói quen lâu đời này thật sự khó thay đổi trong suy nghĩ của người dân, bởi vậy việc thực hiện công tác di dời trang trại, gia trại ra xa khu dân cư những năm trước khá gian nan.

Từ sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của xã Hải Khê đã được đẩy mạnh. Trong đó việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, vận động, hỗ trợ các hộ chăn nuôi có quy mô lớn nằm trong khu dân cư ra khu chăn nuôi tập trung đã được địa phương tích cực triển khai bắt đầu từ năm 2016.

Sau một thời gian thực hiện, đến nay xã Hải Khê đã xây dựng hoàn thiện khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư có quy mô 10ha ở thôn Trung An. Hiện tại đã có 12 hộ chăn nuôi lợn, gia cầm di dời trang trại, gia trại ra chăn nuôi tại khu chăn nuôi tập trung. Khu chăn nuôi tập trung này đã hoàn thiện hệ thống đường giao thông, đường điện hiện nay đang phục vụ cho 12 hộ chăn nuôi.

Anh Trương Lý Khanh sau khi di dời ra khu chăn nuôi tập trung đã có điều kiện mở mang sản xuất, bước đầu tạo được mô hình kinh tế có hiệu quả. Anh Khanh cho biết: “Gia đình tôi tập trung nuôi mô hình gà với hình thức cuốn chiếu, mỗi lứa khoảng 1.000 con, trong đó chủ yếu là gà đá lai, gà ác… Hiện nay, gà thương phẩm được tiêu thụ ổn định ngay trong huyện nên đầu ra không lo. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư nuôi thâm canh, mở rộng một số con nuôi mới để nâng cao thu nhập”.

Cũng như anh Khanh, từ năm 2017, anh Trần Quang Huấn đã mạnh dạn đăng ký di dời mô hình ra vùng chăn nuôi tập trung để làm ăn thuận lợi và không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Sau một thời gian cải tạo diện tích đất được cấp là khoảng 4.000m2, anh đầu tư nuôi 10 con bò lai nhốt chuồng, trồng 500m2 cỏ và một số gia cầm. Đến nay, mô hình nuôi bò nhốt của anh Huấn đã mang lại hiệu quả tích cực, mỗi năm có mức thu nhập hàng chục triệu đồng.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, xã Hải Khê đã tích cực hỗ trợ người dân chú trọng phát triển các mô hình trồng cỏ nuôi bò, các mô hình chăn nuôi lợn trang trại, gia trại tại các khu chăn nuôi quy hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Địa phương đã xây dựng chính sách hỗ trợ 2 mô hình nuôi bò với tổng số 7 con bò lai giống mới trọng lượng 130 kg trở lên/con, hỗ trợ trồng 1.000 m2 cỏ và 20 triệu đồng/mô hình, nhằm phát triển đàn bò theo hướng bài trừ bò cóc phát triển bò lai, đồng thời với việc kết hợp mở rộng diện tích trồng cỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê Hà Văn Hiếu cho biết, xã đang tiếp tục khuyến khích người dân phát triển đàn lợn quy mô tập trung theo hướng trang trại, gia trại ngoài khu dân cư kết hợp xây dựng hầm khí Biogas, phấn đấu đến cuối năm có trên 20 mô hình nuôi lợn quy mô từ 100 con trở lên kết hợp thả cá tại các khu chăn nuôi; 100% hộ chăn nuôi lợn trong khu dân cư xây dựng hầm khí Biogas. “Hiện xã đang chuẩn bị hoàn thành thêm khu chăn nuôi tập trung thôn Thâm Khê với diện tích 5ha.

Xã đã hỗ trợ một số mô hình như: 1 mô hình nuôi bò, trồng cỏ với số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng; hỗ trợ 2 mô hình nuôi cá với kinh phí 15 triệu đồng/mô hình; 2 mô hình trồng rau sạch với quy mô 2.000m2… Được hỗ trợ đất đai, vốn làm ăn trong các khu chăn nuôi nên các hộ rất phấn khởi, an tâm sản xuất.

ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục