Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Hỗ trợ các mô hình sinh kế: Giải pháp giảm nghèo hiệu quả

Thúy Hồng - 09:54, 16/09/2020

Sinh kế luôn là một trong những vấn đề nan giải, cần quan tâm giải quyết nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để giải quyết vấn đề này, nhiều năm qua, các mô hình sinh kế từ các chương trình giảm nghèo như Chương trình 135; Nghị quyết 30a, đã góp phần tạo việc làm, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ mô hình hỗ trợ sinh kế đã thúc đẩy phát triển sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo. (Ảnh tư liệu)
Từ mô hình hỗ trợ sinh kế đã thúc đẩy phát triển sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo. (Ảnh tư liệu)

Đăkrông là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Trị, có nhiều hộ nghèo do người dân thiếu việc làm, không có thu nhập. Nhờ thực hiện hiệu quả các mô hình sinh kế, đã khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo.

Gia đình anh Hồ Văn May, ở thôn Kreng, xã Hướng Hiệp là một minh chứng. Trước đây, gia đình anh May thuộc diện hộ nghèo. Từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, gia đình anh được vay vốn ưu đãi, đầu tư trồng rừng và cây lâm sản ngoài gỗ. Sau 8 năm cần cù lao động, bước đầu cây đã cho thu hoạch, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, thoát được đói nghèo.

Theo thống kê của của huyện Đăkrông, hiện trên địa bàn huyện có trên 400 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, trong đó nhiều mô hình có quy mô tương đối lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Còn tại huyện Điện Biên (Điện Biên), người dân nghèo lại được hưởng lợi từ việc hỗ trợ Chương trình “Ngân hàng bò”, giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo thông qua hình thức hỗ trợ bò sinh sản.

Gia đình chị Lò Thị Tâm, bản Ta Lếch, xã Thanh Chăn là một trong những hộ được hỗ trợ bò giống từ Chương trình. Chị Tâm cho biết: “Gia đình tôi được tặng 1 con bò giống sinh sản. Sau 1 năm chăm sóc, bò đã sinh sản và bê con được luân chuyển cho hộ khác, nhà tôi được giữ bò mẹ. Đến nay, bò mẹ đẻ thêm được 8 con, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn có tài sản lớn là đàn bò khỏe mạnh”.

Theo thống kê của huyện Điện Biên, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, đã hỗ trợ nhân rộng 83 mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho gần 13.000 lượt hộ; hỗ trợ hơn 2.300 máy móc, nông cụ các loại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm qua từng năm. Năm 2015, toàn huyện còn 29,3% hộ nghèo, thì đến năm 2019 giảm xuống còn 12,86%; dự kiến hết năm 2020 còn 10,82% (bình quân giảm 4,04%/năm).

Theo Báo cáo số 138/BC-CP ngày 15/4/2019 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 thì, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2018, được bố trí hơn 2.403 tỷ đồng. Chương trình tập trung xây dựng và nhân rộng ở 3 loại hình chủ yếu: Mô hình giảm nghèo ở các vùng đặc thù; mô hình giảm nghèo liên kết giữa người nghèo với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với củng cố an ninh quốc phòng. Nguồn vốn từ Chương trình 135 đã hỗ trợ trên 1.000 tấn giống cây lương thực; 4,3 triệu giống cây ăn quả; gần 7,6 triệu giống cây công nghiệp và hơn 22,3 triệu giống cây khác; hơn 53.000 con đại gia súc; hơn 126.000 con tiểu gia súc; trên 2 triệu con giống gia cầm, trên 1,4 triệu con giống thủy sản… góp phần tăng thu nhập hộ nghèo từ 15 - 20%.

Tin cùng chuyên mục