Theo đó, đợt này, tỉnh Thanh Hóa sẽ cấp hơn hơn 1.600 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 21.000 học sinh của 241 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Mức hỗ trợ mỗi học sinh 15 kg gạo/tháng. Nguồn gạo hỗ trợ đợt này được lấy từ nguồn dự trữ quốc gia của Tổng cục Dự trữ Nhà nước - Bộ Tài chính.
UBND các huyện, xã và đơn vị được hỗ trợ gạo có trách nhiệm phối hợp với Cục dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa trong công tác giao, nhận gạo hỗ trợ; đồng thời, cấp gạo hỗ trợ kịp thời cho học sinh, đảm bảo đúng đối tượng, định mức theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh, Cục dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện thực hiện việc hỗ trợ gạo cho học sinh.
Được biết, sau trận lũ quét lịch sử xảy ra vào ngày 3/8/2019, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ đã khiến nhiều điểm trường bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại nặng nề. Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa cần khoảng 26 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.
Cụ thể, huyện Mường Lát có 9 trường bị ảnh hưởng; tổng kinh phí huyện Mường Lát đề xuất để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra khoảng 12,9 tỷ đồng. Huyện Quan Hóa có 3 trường bị ảnh hưởng, cần khoảng 450 triệu đồng để khắc phục. Huyện Bá Thước có 9 trường học bị ảnh hưởng, cần 3,9 tỷ đồng để khắc phục…
Đặc biệt, huyện Quan Sơn có 20 điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó điểm trường bản Son, xã Na Mèo, bị cuốn trôi hoàn toàn. Tổng kinh phí huyện Quan Sơn đề xuất để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra là 8,6 tỷ đồng.
Việc hỗ trợ gạo cho học sinh vùng dân tộc miền núi, đặc biệt là những địa phương chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ trong năm học mới 2019- 2020 góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, gia đình và nhà trường, duy trì tỷ lệ học sinh đến trường, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục miền núi Thanh Hóa. Chính sách này góp phần giải quyết được phần nào khó khăn cho một số địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư, phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…