Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Hỗ trợ thôn, bản, ấp xây dựng nông thôn mới: Tạo điều kiện để người dân phát huy nội lực

PV - 10:38, 03/04/2019

Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã ĐBKK khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 (gọi tắt là Đề án 1385). Đề án đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu các thôn, bản, ấp phấn đấu có mô hình mỗi làng một sản phẩm. Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương xung quanh nội dung này.

So với mặt bằng chung của cả nước thì kết quả xây dựng NTM ở vùng DTTS và miền núi hiện nay như thế nào, thưa ông?

Tính đến tháng 3/2019, đã có 4.207 xã (chiếm 47,19% tổng số xã trên cả nước) được công nhận đạt chuẩn NTM, có 66 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Theo kế hoạch thì đến năm 2020, chúng ta phấn đấu có 50% xã đạt chuẩn NTM; nhưng với tiến độ này, cuối năm 2019 chúng ta sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Ông Ngô Tất Thắng (đội mũ), Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương thăm mô hình trồng cam ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông Ngô Tất Thắng (đội mũ), Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương thăm mô hình trồng cam ở Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, địa phương về kết quả xây dựng NTM. Trong khi có một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM (TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định, Hà Nam,…) để chuyển sang giai đoạn xây dựng NTM kiểu mẫu thì một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp, nhất là các địa phương miền núi, như Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La… Đây là những địa bàn có xuất phát điểm thấp, điều kiện khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thu nhập bình quân của người dân ở những địa bàn này rất thấp, nhiều xã chỉ đạt bình quân 7-8 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/4 bình quân chung cả nước.

Vì sao Đề án 1385 lại chọn đơn vị hành chính là thôn, bản, ấp làm đối tượng hỗ trợ thay vì lựa chọn đơn vị hành chính cấp xã?

Phạm vi của Đề án là hỗ trợ cho khoảng 3.513 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn thuộc 36 tỉnh. Một điểm chung ở các địa bàn này là, sau tám năm xây dựng NTM, những tiêu chí chưa đạt hầu hết đều là những tiêu chí quan trọng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng sống của người dân nông thôn (giao thông, điện, đường, trường, trạm, công trình nước sạch, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo,…). Để đầu tư cho các xã này hoàn thành các tiêu chí thì nguồn vốn ngân sách hỗ trợ vô cùng lớn, rất khó đáp ứng được.

Do đó, việc ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các công trình thiết yếu cấp thôn, bản (đường trong thôn, liên gia, nội đồng, thủy lợi nhỏ, đường dẫn nước,…) để trực tiếp phục vụ nhu cầu sản xuất và cải thiện điều kiện sống của người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thôn, bản, ấp được đầu tư, từng bước hoàn thiện các tiêu chí NTM sẽ tạo đột phá để cấp xã hoàn thành. Hơn nữa, các công trình thiết yếu cấp thôn, bản, ấp không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, phù hợp với khả năng bố trí ngân sách trong giai đoạn 2016-2020.

Đề án 1385 đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu phấn đấu ở các thôn, bản, ấp trong phạm vi Đề án có mô hình mỗi xã một sản phẩm. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Thực ra, Đề án 1385 là nội hàm của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Như chúng ta đã biết, ở những địa bàn miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống, có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú để phát triển kinh tế-xã hội. Đó là nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống đa sắc màu, là tài nguyên thiên nhiên với nhiều cảnh sắc đa dạng, là những sản phẩm bản địa vô cùng phong phú,…

Nhưng đồng bào các DTTS chưa khai thác được “nguồn tài nguyên” này; hay đúng hơn là chưa tự lực, tự tin và sáng tạo để khai thác tài nguyên phong phú này để làm giàu cho mình, cho địa phương. Hơn nữa, lâu nay các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi vẫn chủ yếu theo tư duy “dự án”, thậm chí áp đặt từ trên xuống, tức là tác động từ bên ngoài vào chứ chưa khai thác được tiềm năng, nội lực tại chỗ.

Định hướng quan trọng của Chương trình OCOP là phát triển nội sinh, tức là đi từ cái nhỏ đến cái lớn, phát huy tiềm năng của chính những địa bàn khó khăn, khơi dậy sự tự tin, tự lực và sáng tạo của cộng đồng các DTTS sinh sống ở địa bàn đó để phát triển kinh tế-xã hội. Đề án 1385 sẽ chú trọng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho người dân ở các thôn, bản, ấp có điều kiện để khai thác tiềm năng địa phương, phát triển sản xuất.

Để các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi phát huy hiệu quả thì phải phát huy vai trò chủ thể và tinh thần chủ động vươn lên của người dân và cộng đồng. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?

Bất cứ một chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ nào nếu người dân và cộng đồng tiếp nhận một cách thụ động thì hiệu quả thường không cao, kéo theo kết quả là mục tiêu không đạt như yêu cầu. Để chính sách hiệu quả thì ngoài tầm nhìn của lãnh đạo địa phương thì cần phải “rèn” ý thức nỗ lực vươn lên của người dân và cộng đồng.

Lấy Chương trình OCOP làm dẫn chứng. Theo dự kiến thì tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình OCOP đến 2020, dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách sẽ bố trí khoảng 6.000 tỷ đồng (chiếm 13,5%) để thực hiện. Cốt lõi của Chương trình OCOP là người dân/cộng đồng là chủ thể được tập hợp dưới các mô hình tổ chức kinh tế là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Để có một sản phẩm OCOP được công nhận, người dân/cộng đồng sẽ phải liên tục được tập huấn nâng cao kiến thức để sản phẩm của mình ngày càng gia tăng giá trị.

SỸ HÀO ( thực hiện )

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà (Kon Tum). Tạo nên những bước chuyển biến sâu sắc và tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đời sống của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.