Càng đến ngày áp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và người dân xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh càng tất bật với công việc chuẩn bị cho ngày hội hoa đào lần đầu tiên tổ chức tại làng K3.
Chị Nguyễn Thị Giàu - Làng K3, xã Vĩnh Sơn phấn khởi nói: Người dân đang háo hức và mong đợi ngày hội diễn ra. Bởi đây là cơ hội để bà con “trình làng” những sản vật, văn hóa đặc sắc nhất phục vụ du khách khi đến với Vĩnh Sơn ngằm hoa Đào và tham gia ngày hội.
Ông Đinh Y Nam - Phó Chi hội Văn học nghệ thuật các DTTS Bình Định, cho biết: Văn hóa và đời sống người dân địa phương, đặc biệt của đồng bào Ba Na, còn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống là những giá trị cốt lõi thu hút khách du lịch. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc riêng của người Ba Na được thể hiện rõ nét qua trang phục, nông cụ, nhạc cụ, lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, các điệu múa xoang, các bài cúng, những bài Hơmon, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo... Hàng năm, từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch năm sau, đồng bào Ba Na theo truyền thống mở lễ hội tạ ơn Giàng là đấng thần linh tối cao của họ.
Theo UBND xã Vĩnh Sơn, làng K3 ở Vĩnh Sơn nằm độ cao 800m so với mực nước biển. Hiện làng K3 có 149 hộ đang sinh sống, trong đó đồng bào Ba Na có 101 hộ. Ở làng K3 ẩm thực rất đặc sắc; trong đó phải kể tới như rượu cần, heo đen, cơm lam, cá tầm, chè dây Vĩnh Sơn rau dớn, cá đá, cá niêng, gà đồi nướng muối lá chanh ớt bay… Văn hóa ẩm thực ấy như phản ánh đời sống vật chất, tinh thần cũng như cách thức con người ứng xử với thiên nhiên.
Để đánh thức tiềm năng, khai thác du lịch của đồng bào Ba Na, huyện miền núi Vĩnh Thạnh lần đầu tiên lên ké hoạch tổ chức ngày hội hoa Đào với chủ đề “Sắc Xuân hoa Đào kết nối văn hóa” diễn ra trong 2 ngày 8 - 9/2 (tức ngày 11 - 12 tháng Giêng).
Ông Tô Hiếu Trung - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Tại Ngày hội, du khách được tham quan các tuyến đường hoa Đào, Mai Anh đào Đà Lạt, hoa Anh đào Nhật Bản; tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) như: Giao lưu văn hóa, trình diễn Lễ hội Cốm lúa mới; giao lưu, trình diễn cồng chiêng, múa xoang, các nhạc cụ dân tộc truyền thống của một số đội văn nghệ, câu lạc bộ, các nghệ nhân; giao lưu dân vũ.
Ngoài ra, du khách sẽ được tận mắt thấy các nghệ nhân biểu diễn các tiết mục: Hát, múa, hòa tấu; tham quan, chụp ảnh tại khu vực Nhà trưng bày truyền thống, vườn hoa Đào, vườn rau ôn đới, các tuyến đường hoa…; tham quan trải nghiệm khám phá một số thắng cảnh của địa phương như: Thác Hang Dơi, Thành Tà Kơn, thác Sơn Lang, ruộng bậc thang thôn K4…
Theo ông Tô Hiếu Trung, Ngày hội Hoa Đào huyện Vĩnh Thạnh là một trong những hoạt động lớn thiết thực gắn với hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025, chào mừng Kỷ niệm 66 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6/2/1959 - 6/2/2025).
Đồng thời, Ngày hội là hoạt động văn hóa nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc huyện trên địa bàn huyện đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ XVIII về “Đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2020 - 2025” và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025 theo Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Định đã đề ra.