Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hòa Bình: Triển khai hiệu quả nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa Mường

Việt Hà - Mai Hương - 21:27, 15/09/2023

Trong kho tàng nghệ thuật của các DTTS ở Việt Nam, dân ca, dân vũ là loại hình diễn xướng dân gian và gắn liền với đời sống tinh thần của dân tộc. Đối với tỉnh Hòa Bình, việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch luôn được các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình quan tâm, đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -văn hóa - xã hội một cách bền vững.

Nghệ nhân Bùi Thị Bẹ (người bên trái), Chủ nhiệm CLB hát dân ca Mường xã Lạc Sĩ ngân nga một điệu dân ca Mường.
Nghệ nhân Bùi Thị Bẹ (người bên trái), Chủ nhiệm CLB hát dân ca Mường xã Lạc Sĩ ngân nga một điệu dân ca Mường.

Những người tiếp nối mạch nguồn dân ca Mường

Khi nói đến những nghệ nhân tâm huyết lưu giữ làn điệu dân ca người Mường, những người yêu văn hóa dân tộc ở huyện Yên Thủy đều nhắc đến bà Bùi Thị Bẹ trú tại xóm Nghia, xã Lạc Sĩ. Năm nay bà Bẹ đã bước sang tuổi 74 nhưng tiếng hát của bà vẫn rất ngọt ngào, sâu lắng. Là người mê những làn điệu dân ca Mường từ ngày còn thơ ấu, lớn lên trên cái nôi văn hóa giàu bản sắc của dân tộc, những câu hát thường ngày dần dần ngấm sâu vào tiềm thức của bà. Để rồi khi trưởng thành trở thành mẹ, thành bà, bà Bẹ đã đưa tiếng hát ngọt ngào của người Mường vang lên ở nhiều không gian, hoàn cảnh khác nhau. Lúc ở ngoài đồng, lúc làm nương rẫy, lúc ru con, ru cháu ngủ, lúc hát mừng ngày vui, lễ, tết...

Nói về việc diễn xướng dân ca Mường, bà Bẹ giải thích: Hát thường rang - bộ mẹnh (Mẹng), hát đúm (đúp) giao duyên là những thể loại dân ca Mường diễn ra phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày. Lời hát đa phần đều không có sẵn mà tùy thuộc vào bối cảnh, sự kiện, hoạt động cụ thể, người hát sẽ sáng tạo, ứng tác cho phù hợp với hoàn cảnh. Bởi vậy, nghe hát dân ca tưởng như đơn giản nhưng để hát sao cho truyền cảm, đi vào lòng người thì người hát phải có chất giọng, có vốn sống phong phú, sâu rộng mới có thể diễn xướng nhuần nhuyễn.

Nhiều năm qua, bà Bùi Thị Bẹ luôn đi đầu trong phong trào văn hóa, văn nghệ tại huyện Yên Thủy, tham gia nhiều hội thi, hội diễn giao lưu tại các địa phương. Bên cạnh đó, bà còn mở các lớp dạy hát tiếng Mường cho người dân ở các xóm, các xã trong huyện. Bà tự gom tiền mua một bộ cồng chiêng (12 chiếc) để có nhạc cụ truyền dạy cho con cháu.

Nghệ nhân Bùi Văn Nỏm (huyện Lạc Sơn) cần mẫn nghiên cứu, sưu tầm các câu hát dân ca thường rang, bộ mẹng của người Mường.
Nghệ nhân Bùi Văn Nỏm (huyện Lạc Sơn) cần mẫn nghiên cứu, sưu tầm các câu hát dân ca thường rang, bộ mẹng của người Mường.

Tháng 7/2022, bà Bẹ đứng ra thành lập CLB hát dân ca Mường xã Lạc Sĩ với 5 thành viên ban đầu. Đến nay, CLB đã quy tụ hơn 20 thành viên có chung niềm đam mê, sở thích. Kể từ khi thành lập, CLB hát dân ca Mường xã Lạc Sĩ thường xuyên tham gia giao lưu với các CLB khác ở trong và huyện. Từ đây lan tỏa phong trào hát dân ca Mường đến từng thôn, xóm, khu dân cư, để dân ca Mường sống mãi với dòng chảy thời gian.

Còn tại huyện Lạc Sơn, nghệ nhân Bùi Văn Nỏm được coi là “nhà bảo tồn dân ca Mường” bởi ông đang lưu giữ hàng trăm bản ghi âm, ghi hình những màn diễn tấu dân ca, dân vũ do các nghệ nhân dân gian thực hiện và hàng trăm bài hát cổ của người Mường như: Hát thường rang - bộ mẹng, hát đúm giao duyên..., trong đó, có những cuộc hát kéo dài từ sáng đến đêm.

Là Người có uy tín, tập hợp xung quanh mình những người có trình độ hiểu biết, rất quý trọng văn hoá Mường nên ông Bùi Văn Nỏm đã góp phần giúp huyện Lạc Sơn lan tỏa phong trào văn hóa văn nghệ, đồng thời bảo tồn, lưu giữ được nhiều làn điệu dân ca cổ của dân tộc Mường. Hiện nay, toàn huyện Lạc Sơn có 358 nghệ nhân các lứa tuổi thường xuyên tham gia ở 6 CLB, ghi âm trên 1.000 GB dữ liệu. Nhiều video đăng tải trên mạng xã hội, được hàng triệu lượt người quan tâm. Phong trào hát đã đi vào đời sống, góp phần làm cho văn hóa tinh thần của người Mường ở Lạc Sơn ngày càng phong phú, đặc sắc.

Một buổi tập hát các làn điệu dân ca thường rang, bộ mẹng của một CLB tại huyện Lạc Sơn.
Một buổi tập hát các làn điệu dân ca thường rang, bộ mẹng của một CLB tại huyện Lạc Sơn.

Bảo tồn di sản từ chính sách

Để triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn các DTTS trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình đã cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Dự án 06 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) bằng Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030".

Theo đó, từ năm 2023 đến năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã và đang tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng, lựa chọn lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu về dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS trong tỉnh để lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Nghiên cứu, sưu tầm, phân loại di sản dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các DTTS đang có nguy cơ bị mai một để có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản; khai thác các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc có tiềm năng để xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch…

Bên cạnh đó, Sở VHTT&DL cũng tham mưu đề xuất với UNBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các nghệ nhân, Người có uy tín phát huy vai trò nhằm bảo tồn, truyền dạy bí quyết, kiến thức, kỹ năng thực hành các di sản văn hóa dân ca, dân vũ, dân nhạc cho thế hệ trẻ; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư khai thác di sản văn hóa, phát triển du lịch. Tổ chức xét đề nghị tặng các danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" để tôn vinh các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể về nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc dân gian.

Làn điệu dân ca là món ăn tinh thần đặc sắc, không thể thiếu trong hoạt động Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Hòa Bình)
Làn điệu dân ca là món ăn tinh thần đặc sắc, không thể thiếu trong hoạt động Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Hòa Bình)

Triển khai hỗ trợ cộng đồng tổ chức thực hành để bảo tồn các dân ca, dân vũ, dân nhạc ngay chính trong đời sống cộng đồng; Lựa chọn phục dựng không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu tại các khu, điểm du lịch và trong các sự kiện văn hóa du lịch, lễ hội truyền thống; Tổ chức các chương trình cho khách du lịch được trải nghiệm các di sản văn hóa dân ca, dân vũ, dân nhạc tại Bảo tàng tỉnh; Tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch của các DTTS; Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS…

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình - Lưu Huy Linh cho biết, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân và du khách. Tiêu biểu là: Lễ đón nhận Bằng công nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của tỉnh Hòa Bình: Tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022,...

Bên cạnh đó, Sở VHTT&DL phối hợp với các địa phương tổ chức 2 lớp truyền dạy Di sản văn hóa phi vật thể gồm Kỹ thuật dệt thổ cẩm dân tộc Mường và 1 lớp hát thường rang, bộ mẹng dân tộc Mường cho 95 học viên tại 2 huyện Tân Lạc và Lạc Sơn; lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 2 di sản gồm: Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường và Hát thường rang, bộ mẹng dân tộc Mường…Tỉnh cũng đang hoàn thiện bộ hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp…

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.