Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Hòa giải ở cơ sở: Tăng quyền năng cho phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới

Thanh Hoài - 16:27, 19/12/2022

Khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong quan hệ hôn nhân và gia đình, thậm chí cả khi xảy ra bạo lực trong gia đình hoặc trong sinh hoạt cộng đồng, việc hòa giải cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm bất bình đẳng giới. Để khắc phục tình trạng này, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người phụ nữ trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng thực chất giữa nam và nữ, Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở xác định một trong những nguyên tắc quan trọng của hòa giải là “bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở” (khoản 5).

nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới
Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em người DTTS nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, thực hiện nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới, ví trí, vai trò của nữ giới trong công tác hòa giải không ngừng được củng cố và tăng cường. Tuy nhiên, đội ngũ hòa giải viên nói chung và hòa giải viên nữ nói riêng thường xuyên biến động. Ở một số địa phương, cơ cấu tổ hòa giải chưa có hòa giải viên nữ, hòa giải viên là người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở... Sự trống vắng hòa giải viên nữ trong cơ cấu của tổ hòa giải đã hạn chế hiệu quả hoạt động hòa giải nói chung, nhất là hòa giải các vụ việc hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình.

Gần 25 năm gắn bó với phong trào phụ nữ chị Tô Thị Liên, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu không thể nhớ hết mình đã tham gia hoà giải bao nhiêu vụ mâu thuẫn, xích mích. Chị Liên tâm sự: “Ngày nay trong quan niệm của nhiều người vẫn cho rằng: những mâu thuẫn trong hôn nhân gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà nên rất ngại ngùng thậm chí khó chịu khi người ngoài biết và can thiệp. Vì thế, mỗi khi có vụ việc nào cần hòa giải tôi phải tìm hiểu thật kỹ sự tình rồi lựa chọn thời điểm thật thích hợp để gặp người chồng khuyên can, gặp người vợ lý giải điều thiệt hơn. Đến với gia đình họ phải bằng sự cảm thông và sẻ chia sâu sắc giống như mình là người trong một nhà mới có thể hoà giải thành công, giúp cho các gia đình đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, trở về sum họp”.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Tè tuyên truyền giúp chị em nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Tè tuyên truyền giúp chị em nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội

“Nếu không có các chị gia đình tôi đã tan vỡ rồi”, chị Ngô Thị Bạc, ở thị trấn Đất Đỏ đã nói với chúng tôi như thế. Hai vợ chồng anh chị cưới nhau được hơn 3 năm thì mâu thuẫn nảy sinh. Nguyên nhân là do cuộc sống quá túng thiếu, khó khăn khiến cho anh luôn cảm thấy bức bối nên anh cư xử với vợ con nhiều lúc cộc cằn. Chị Bạc thì chẳng bao giờ chịu lùi một bước để giữ hoà khí trong gia đình. Những trận cãi vã liên tục xảy ra và tình cảm vợ chồng sứt mẻ dần, dẫn đến việc xin ly hôn. Hơn 2 năm trời, các cán bộ Hội từ tổ dân cư đến khu phố kiên trì và bền bỉ khuyên giải, phân tích thiệt hơn hai vợ chồng mới nhận ra những thiếu sót của mình. “Nếu không có các cô, các chị phụ nữ đứng ra can thiệp thì gia đình tôi không có ngày hôm nay. Giờ anh ấy biết quan tâm, lo lắng làm ăn hơn. Mẹ con tôi không chỉ đủ ăn mà còn bắt đầu nghĩ đến chuyện mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình”, chị Bạc nói.

Không chỉ là những xích mích trong nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, bạo lực gia đình cũng đang là thực trạng khiến nhiều gia đình đổ vỡ mà vai trò của công tác hòa giải đã góp phần không nhỏ trong việc đem lại bình yên, hạnh phúc gia đình. 

Nhắc đến những vụ việc bạo lực gia đình, anh Lý A Chía, dân tộc Mông, cán bộ Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 - Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, đồng thời cũng là một hòa giải viên vẫn nhớ như in câu chuyện của một người mẹ trẻ người Mông cách đây gần 1 năm. Để hòa giải thành công vụ mâu thuẫn gia đình cho trường hợp này, A Chía cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các chị em hòa giải viên tại cơ sở.

“Hôm đó, dưới ánh nắng yếu ớt ngày cuối cùng của năm 2021, một người mẹ bế đứa bé gần 2 tuổi, sau lưng địu một bé chừng 3 tháng tuổi và dẫn theo 2 đứa trẻ chừng dưới 10 tuổi thập thò trước cửa Chi nhánh với ánh mắt ngại ngùng. Thấy vậy, anh Chía ra hỏi mấy mẹ con tìm gặp ai và có việc gì cần giúp đỡ, thì người mẹ nước mắt chực trào. Khi hỏi chuyện thì được biết chị tên là Sùng Thị L. (SN 1980) ở bản Nà Pán, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé. Chị có chồng là anh Hàng A T. (SN 1975). Gia đình nhà chồng chuyển cư từ xã Pu Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên về năm 2013.

Chị L. cho biết, anh chị chung sống với nhau từ năm 1995 và đã có với nhau 12 đứa con, nhưng anh T. ít khi giúp vợ đi làm nương rẫy. Đông con nhưng gia đình không có đất canh tác, hằng năm phải đi mượn đất hộ khác để làm nương rẫy mưu sinh. Anh T. không biết chữ, chậm chạp, không biết sắp xếp việc nhà, không giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình, không chăm sóc con cái, nhưng mỗi khi vợ ý kiến là lập tức anh ta hùng hổ chửi mắng rồi đánh đập, bạo hành vợ con.

Sự việc đã được anh em họ hàng hai bên khuyên răn nhiều lần, nhưng anh T. không những không thay đổi thái độ, mà ngày càng hung hăng hơn trước. Do không chịu nổi cuộc sống luôn trong tình cảnh bị bạo hành, nên chị L. đến với trợ giúp pháp lý để mong được hỗ trợ, giúp đỡ...

Sau khi lắng nghe sự tình, anh A Chía đã cùng một số hòa giải viên là chị em phụ nữ tại xã Mường Nhé đến tận nhà để hòa giải tận tình cho hai vợ chồng. Và người chồng đã thay đổi, hiện cuộc sống của hai vợ chồng đã hạnh phúc hơn. 

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới
Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới

Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ tương đối thấp ở một số cộng đồng hoặc nhóm xã hội nhiều khi là do sự cam chịu, sự áp bức, bất bình đẳng một cách có hệ thống của người phụ nữ trong gia đình. Những chuẩn mực văn hóa khiến cho người phụ nữ DTTS phải gồng mình chịu đựng gánh nặng công việc gia đình, kể cả trong lao động sản xuất và làm việc nhà. Họ không có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân và giao tiếp hòa nhập xã hội. Trong khi đó, rất nhiều phụ nữ người DTTS lại còn phải gánh chịu thêm rất các hình thức bạo lực do chồng gây ra, đặc biệt là các hành vi bạo lực thể chất.

Cần chế tài đủ mạnh

Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7/2008. Tuy nhiên, các vụ án liên quan đến bạo hành gia đình được điều tra truy tố, xét xử còn ít, do các hành vi bạo hành xảy ra trong nội bộ gia đình; nạn nhân bị chi phối bởi rào cản về đạo đức, tình cảm gia đình nên thường chọn giải pháp im lặng, không tố cáo. Vì vậy các hành vi bạo lực gia đình thường không bị phát hiện kịp thời, ít được xử lý ở cấp cơ sở. Không ít vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng hình phạt dường như còn quá nhẹ. Vì vậy, tính phòng ngừa răn đe hạn chế.

Nhìn từ góc độ pháp lý, hành vi bạo hành gia đình vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013; vi phạm pháp luật về Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định về các tội liên quan đến cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc tội ngược đãi vợ, con với những hình phạt rất cụ thể. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là cơ sở để xử lý nghiêm minh các hành vi bạo hành gia đình.

Đối với cơ quan Công an, trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình đã được quy định cụ thể tại Điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Theo đó, trách nhiệm của cơ quan Công an trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau: “Cơ quan Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình”.

Tuy nhiên, trên thực tế để ngăn chặn những vụ việc bạo hành gia đình đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo đảm bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, ở nhiều địa phương, các mô hình hoạt động hòa giải cũng đã được lồng ghép triển khai phong phú dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở Hà Nội, hòa giải trở thành hoạt động của “Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”…, đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải năm tốt”. Các mô hình này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở .

Gia đình là tế bào của xãhội, mỗi gia đình thực sự yên ấm, hạnh phúc là điều kiện để xây dựng xã hội pháttriển. Do đó, cần chung tay phòng, chống tình trạng bạo hành gia đình vì mụctiêu “xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, trong đó vai trò của phụ nữ trongcông tác hòa giải là vô cùng quan trọng và hiệu quả. 

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đang được triển khai thực hiện tại các địa phương. Chương trình gồm 10 dự án, trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nước ta có ít nhất 80% hộ gia đình DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; 30 - 50% các xã có đồng bào DTTS ít người sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối phụ nữ, trẻ em gái.

Đặc biệt Dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới của vùng.

Theo đó, Dự án sẽ triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới; thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình…

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.