Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Học… giá!

PV - 11:21, 01/06/2018

Trình bày trước Quốc hội sáng 30/5 các nội dung sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề cập việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học và đổi cụm từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”.

Việc sửa đổi dựa trên lập luận: Các quy định về tài chính, tài sản chưa hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo...

Và với luật sửa đổi, nêu cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, giá dịch vụ đào tạo sẽ được “tính” hết các khoản tiền: Dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu dịch vụ khác (Điều 65 luật sửa đổi).

Vô hình chung, với cách sửa đổi này, cái giá của sự học được “tính đúng, tính đủ” (!). Vậy là sau Bộ Giao thông Vận tải, vấn đề chữ nghĩa lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuấy động trở lại.

Nhưng hiểu thế nào là “giá”? Theo Từ điển Hán Việt thì “cái gì đáng bao nhiêu gọi là giá”. Trong khi đó, đối sánh nghĩa của 22 từ đồng âm thì giá còn nhiều nghĩa khác, như phẩm giá, giá trị, danh giá,… Như vậy, “giá” là cái để so sánh trong trường hợp chung đơn vị đo.

Nhưng với cách “tính đúng, tính đủ” như “học giá” thì chỉ có một trường hợp cụ thể hướng đến việc đánh giá bằng tiền, tức là giá cả.

Nhưng cũng như đổi “thu phí” thành “thu giá” thì việc thay “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” chỉ là một sự đánh tráo khái niệm. “Học phí” là rất rõ ràng, là số tiền mà mỗi phụ huynh phải trả cho việc học của con em mình theo quy định.

Còn “giá dịch vụ đào tạo”-hiểu nôm na là “học giá” thì sẽ thu như thế nào? Hay là thu cái thuộc tính đáng bao nhiêu tiền của… sự học?

Thực ra, việc thay đổi khái niệm đang ở dạng đề xuất sửa đổi nên gây tranh cãi là tất yếu. Việc tranh cãi xung quanh bất cứ một sự đổi mới nào cũng chứa đựng yếu tố tích cực.

Đơn giản có thể hiểu là: Làm sai bị “cãi” thì “cải sửa”-Những gì lạc hậu, phản tiến bộ thì cần “cãi” để “cải cách”. Đổi mới rồi mà có khiếm khuyết vẫn bị “cãi” thì “cải thiện” để hoàn chỉnh.

SỸ HÀO