Vô tư công kích người khác
Bất kỳ ai sử dụng mạng xã hội đều không lạ lẫm khi bắt gặp các hội nhóm "Anti" (chống lại, phản đối) xuất hiện nhan nhản trên mạng. Chuyện antifan không hài lòng với việc làm của người nổi tiếng và công kích họ trên mọi “mặt trận” xảy ra rất nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, thay vì dừng lại ở việc khen chê, góp ý một cách văn minh thì nhiều hội nhóm lại có những hoạt động chỉ trích nặng nề, có tính xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền lợi của người khác.
Mở mạng xã hội, không khó để bắt gặp những hội nhóm được lập ra để kêu gọi tẩy chay với những từ ngữ tiêu cực nhất. Một số nghệ sĩ tên tuổi từng trở thành “nạn nhân” của các group anti fan như Hương Giang, Sơn Tùng M-TP, Hải Tú, Jack...
Gần đây nhất là hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 - Huỳnh Trần Ý Nhi với hội nhóm hơn 600,000 thành viên. Mỗi ngày trôi qua lại có hàng chục bài đăng chỉ trích, cố tình muốn “dìm hàng”, “tẩy chay”, đòi tước vương miện của nàng hậu mới đăng quang chưa lâu.
Một trong những phát ngôn khiến người đẹp bị công kích đó là: “Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu…”.
Thay vì góp ý trên tinh thần xây dựng, tạo điều kiện cho người đẹp có cơ hội sửa sai trong ôn hòa, cảm thông thì ngay lập tức, người đẹp bị cộng đồng mạng chê là ứng xử kém tinh tế, ảo tưởng và mắc bệnh ngôi sao. Không ít người còn đua nhau lập các group “antifan” để bóc phốt và tẩy chay nàng hậu, thậm chí còn yêu cầu Ban tổ chức tước vương miện của hoa hậu này.
Tình trạng sử dụng MXH để chê bai, công kích, thóa mạ người khác không chỉ phản văn hóa, không có tác dụng xây dựng đời sống tốt đẹp hơn, có ích hơn mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về quyền con người. Bởi những lời công kích trên MXH là “vũ khí” tuy vô hình nhưng lại mang tính sát thương cao trong thực tế. Trong một số trường hợp sự bêu rếu trên MXH đã gây tổn thương, thậm chí gián tiếp khiến nạn nhân trầm cảm, có hành động tiêu cực.
Còn nhớ năm 2019, một nữ sinh học lớp 11 đã uống thuốc ngủ tự vẫn nhưng may mắn được cứu sống. Nguyên nhân là nữ sinh này không chịu nổi sự chê bai, miệt thị của bạn bè trước những thông tin, hình ảnh của mẹ em bị một người quen bêu trên MXH cùng những lời lẽ cay độc khiến em bị trầm cảm.
Các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay
Thời gian qua, trong một số vụ việc, người sử dụng mạng xã hội đã đi quá xa, để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Thói quen hùa nhau chỉ trích, chê bai mà không cần suy xét, không cần chứng cứ là một tính xấu thể hiện sự kém văn minh của người sử dụng mạng.
Theo luật sư Hoàng Hướng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền lợi và danh dự cho một số người nổi tiếng cho biết: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Hiện công tác quản lý thông tin trên MXH được quy định tại Luật An ninh mạng năm 2018. Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật khi cung cấp, lưu trữ và truyền đưa thông tin trên mạng. Không được lợi dụng môi trường mạng để cung cấp, truyền đưa thông tin bị cấm như: đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; tuyên truyền, kích động bạo lực, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc…
Nhiều ý kiến đề nghị, các cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý, ngăn chặn và xử lý nghiêm những chủ tài khoản có hành vi bôi xấu, vu khống, công kích người khác trên MXH, để không gian mạng lành mạnh hơn, thực sự là nơi chia sẻ và lan tỏa những điều tốt đẹp.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội cho rằng: Các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải có trách nhiệm gạn đục khơi trong, áp dụng triệt để các quy định pháp luật và chế tài để "lọc chất độc" trên mạng.
Có thể nói, việc chê bai, chửi bới, thoá mạ đến mức vi phạm pháp luật chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định. Nhưng xét đến cùng mọi quy định mang tính bắt buộc chỉ là công cụ cảnh báo, răn đe. Quan trọng nhất vẫn là ý thức cá nhân của mỗi người khi tham gia sử dụng mạng xã hội. Việc xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết và đòi hỏi sự tham gia từ cả các cơ quan quản lý lẫn người dân. Cần phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng số để mỗi người dân tự nâng cao nhận thức, có chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội.