Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ XII

Quỳnh Trâm - 16:44, 24/12/2020

Sáng 24/12/2020, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XII đã khai mạc trọng thể tại TP Thanh Hoá. Hội nghị đã thông qua nhiều nội dung quan trọng đối với hoạt động Hội năm 2021, cũng như chuẩn bị cho Đại hội Phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị đã thông qua báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động Hội năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Theo đó, năm 2020, với chủ đề “Giữ trọn niềm tin theo Đảng”, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, mang dấu ấn riêng để chào mừng và đóng góp vào thắng lợi của Đại hội Đảng các cấp như: tổ chức các công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tham mưu công tác cán bộ nữ và cao điểm là đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 1,2 triệu lượt phụ nữ tham gia.

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cả 3 các cấp đều tăng so với chỉ tiêu nêu trong Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và cao hơn so với nhiệm kỳ trước từ 2 - 3%. Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bầu 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy. Đây chính là sự đánh giá, ghi nhận, sự tin tưởng giao nhiệm vụ của Đảng đối với cán bộ nữ, đồng thời cũng đánh dấu sự trưởng thành vươn lên của đội ngũ cán bộ nữ các cấp.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa tặng lặng hoa chúc mừng Hội nghị
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa tặng lặng hoa chúc mừng Hội nghị

Năm 2020 cũng là một năm đầy biến động với nhiều thiên tai, dịch COVID-19, nhưng các cấp Hội đã sáng tạo và linh hoạt điều chỉnh cách thức tổ chức hoạt động, mạnh mẽ chuyển đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến, sử dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trên internet của Hội để cung cấp thông tin kịp thời, đúng, đủ cho người dân, nhân rộng các cách làm hay, thiết thực như thành lập các đội xung kích nấu cơm hỗ trợ khu cách ly, làm móc cài khẩu trang, kính chắn giọt bắn tặng các lực lượng tuyến đầu chống dịch...Qua đó, góp phần không nhỏ vào thành tích bước đầu ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Với phương châm “4 tại chỗ”, các cấp Hội đã phát huy mạnh mẽ vai trò của hội viên, phụ nữ cả nước trong công tác phòng chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, các cấp Hội đã ủng hộ 92 tỷ đồng và hàng hoá trị giá gần 54 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ... Công tác phát triển hội viên được chú trọng; việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tiếp tục được quan tâm...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong năm 2021. Theo đó, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên phụ nữ thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Thực hiện chủ đề "Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.". Tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình, dự án "Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp; chuẩn bị tốt các điều kiện chuẩn bị cho Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội; Dự thảo phương hướng nhân sự Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2022- 2027; Dự thảo Nghị quyết Ban Chấp hành về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: Sau Đại hội đảng bộ các cấp, cán bộ Hội thay đổi nhiều nên việc tiếp cận và tổ chức các hoạt động của Hội không tránh khỏi những lúng túng, khó khăn. Tình trạng một số Chi hội trưởng xin thôi tham gia hoạt động Hội do việc sắp xếp, sáp nhập xã, thôn, bản theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ đang diễn ra, đặc biệt ở địa bàn miền núi, địa bàn khó khăn đã ảnh hưởng đến việc tổ chức sinh hoạt của chi Hội. Thực tế này đòi hỏi các cấp Hội xác định các giải pháp triển khai nhiệm vụ công tác Hội phù hợp với tình hình mới, chủ động làm việc với cấp uỷ, chính quyền địa phương để quan tâm làm tốt công tác cán bộ, có giải pháp quyết liệt nhằm kiện toàn tổ chức Hội.

Bên cạnh đó, để phụ nữ không bị tụt hậu trong “nền kinh tế số”, thời gian tới, các cấp Hội cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đây được xem là một trong những khâu đột phá trong dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Sau Hội nghị, Đoàn Chủ tịch sẽ nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu vào các dự thảo văn bản để trình Hội nghị Ban Chấp hành.