Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyễn Hữu Đông - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu trong cả nước. Đại diện Ủy ban Dân tộc có đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Sau 05 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến quan trọng, mạnh mẽ. Nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất tích cực, toàn diện, đồng bộ, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Theo đó, tình trạng tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng. Từ đó khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
Kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong chừng mực nào đó chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, biểu hiện ngày càng tinh vi; các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng: Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Một số giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả còn chưa cao như: Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu hạn chế; công tác quản lý cán bộ, đảng viên để phòng, chống tham nhũng vẫn phải tăng cường. Cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng chưa cao. Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng như kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả...
Hội nghị cũng được nghe dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, ý kiến tham luận của các đại biểu về kết quả thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương và những hạn chế còn tồn tại; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong những năm tới.