Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hương Khê, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, toàn huyện có hơn 5.600 ca bệnh đau mắt đỏ xảy ra ở 21/21 xã, thị trấn. Trong đó, có gần 3.000 ca bệnh là học sinh và giáo viên. Hiện nay, có gần 1.200 ca đã khỏi bệnh.
Trước tình trạng dịch bệnh kể trên, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê đề nghị trạm y tế các xã, thị trấn, ngành giáo dục huyện xuống tận cơ sở thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu chuyên môn của ngành y tế.
Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và theo dõi việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của cán bộ, giáo viên và học sinh; lập danh sách các trường hợp nhiễm bệnh để theo dõi, hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị.
Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Chủ động đến cơ sở y tế khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Các học sinh nghỉ học sau khi trở lại trường sẽ được giáo viên bổ sung kiến thức. Đồng thời, trong thời gian này, ngành giáo dục huyện Hương Khê đang phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tuyên truyền các biện pháp phòng tránh dịch, yêu cầu các nhà trường vệ sinh phòng học sạch sẽ tránh nguồn lây bệnh.
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát tại nhiều địa phương. Trước tình hình dịch đau mắt đỏ bùng phát, nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng bệnh. Đồng thời, chính quyền địa phương phối hợp, chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục…
Bệnh đau mắt đỏ là cách gọi dân gian, chuyên môn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt do cương tụ (giãn) các mạch máu nông nên được gọi là bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, bệnh còn có dấu hiệu: nhiều tiết tố (ghèn, dử mắt), kèm theo sưng nề mi mắt, cộm xốn, chảy nước mắt,…
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp như: nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, hóa chất hoặc các tác nhân vật lý… nhưng hay gặp nhất là 2 nhóm nguyên nhân: do vi khuẩn và virus với các biểu hiện lâm sàng khác nhau, trong đó khoảng 80% viêm kết mạc hiện nay là do Adenovius. Tuy nhiên, ở Việt Nam do môi trường khí hậu nóng ẩm kèm theo điều kiện vệ sinh, thông khí tại một số nơi chưa được đảm bảo nên viêm kết mạc cấp do virus thường có bội nhiễm thêm vi khuẩn.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần tới khám và điều trị tại các bác sĩ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị và theo dõi kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng thuốc theo mách bảo hoặc dùng đơn thuốc của người này điều trị cho người khác, đặc biệt là những thuốc có Corticosteroid khi không có chỉ định của bác sĩ.
Không nên điều trị theo các kinh nghiệm dân gian: xông mắt bằng các loại thuốc, lá cây để tránh làm bệnh nặng thêm và nguy cơ bội nhiễm.
Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ như sau: Chườm lạnh lên mi mắt giúp giảm đau và dễ chịu. Rửa mắt, làm mềm, sạch ghèn (dử) bằng nước muối sinh lý, vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và trước khi tra thuốc. Dinh dưỡng, bổ sung vi chất và vitamin C để tăng cường sức đề kháng như nước cam, chanh… Cách ly bằng cách đeo khẩu trang, tránh dùng các đồ dùng chung như cốc uống nước, khăn lau, thuốc tra mắt để hạn chế lây lan. Trẻ nhỏ nên cho nghỉ học để vừa đảm bảo vệ sinh, tuân thủ điều trị và phòng lây lan cho cộng đồng.