Quang cảnh buổi họp báoTại buổi họp báo, ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định, cho biết: Trong hai ngày 19 - 20/4, các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về việc hợp nhất hai tỉnh Gia Lai - Bình Định và sắp xếp lại 58 đơn vị hành chính cấp xã, trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Kết quả, có hơn 430.000 hộ thuộc diện lấy ý kiến, trong đó có 423.070 hộ đã tham gia, đạt trên 98% cử tri tham gia đồng ý. Ngoài ra, có hơn 5.000 hộ chưa tham gia ý kiến với lý do như; công tác, làm ăn xa, đi vắng hoặc không có người ở nhà vào thời điểm phát phiếu và các lý do khách quan khác.
Lãnh đạo Sở Nội vụ thông tin thêm, trong tổng số cử tri không đồng ý (6.977 hộ, với tỷ lệ 1,62%), nhiều kiến nghị chủ yếu liên quan đến 1,62% đến tên gọi, ranh giới hành chính, và mong muốn không gom chung nhiều xã…
Đơn cử, tại phường Nhơn Bình (Quy Nhơn) ghi nhận tỷ lệ không đồng thuận cao nhất, chiếm 2,84%, với 1.980 cử tri không đồng ý. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không muốn sáp nhập vào phường Quy Nhơn Đông, đơn vị mới được đề xuất hình thành từ việc nhập toàn bộ xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải và phường Nhơn Bình. Người dân cho rằng việc phải qua cầu Nhơn Hội để làm thủ tục hành chính là bất tiện, đi lại xa.
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định thông tin tại buổi họp báoBên cạnh đó, một số hộ dân tại phường Nhơn Bình không nhận được phiếu lấy ý kiến do vắng nhà vào thời điểm cán bộ địa phương đến phát phiếu, dẫn đến việc không thể tham gia ý kiến.
Còn tại xã miền núi Canh Liên (huyện Vân Canh), cũng ghi nhận trường hợp có ý kiến trái chiều trong cộng đồng dân cư. Cụ thể, làng Canh Giao có 15 hộ dân không đồng thuận với phương án sắp xếp. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, đây chỉ là số ít, không ảnh hưởng đến tổng thể, khi phần lớn người dân địa phương đều đồng tình và ủng hộ.
Trả lời câu hỏi vì sao việc lấy ý kiến lại diễn ra vào 2 ngày cuối tuần, ông Lê Minh Tuấn cho biết, theo quy định, việc lấy ý kiến có thể thực hiện trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, Trung ương giao quyền chủ động cho địa phương và Bình Định đã lựa chọn triển khai vào hai ngày cuối tuần (19 - 20/4) nhằm bảo đảm thuận tiện cho người dân tham gia.
Theo ông Lê Minh Tuấn, sau sắp xếp, toàn tỉnh sẽ có khoảng 5.000 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Dự kiến sẽ chấm dứt sử dụng khoảng 1.900 người hoạt động không chuyên trách và chuyển toàn bộ biên chế cấp huyện hiện có về cấp xã. Theo khảo sát ban đầu, có khoảng 900 người có nguyện vọng xin nghỉ.
Về tên gọi địa danh, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay: Việc đề xuất giữ lại tên “Bình Định” cho một phường là để bảo lưu yếu tố lịch sử và bản sắc văn hóa địa phương. Cùng với đó việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, bảo đảm chính quyền cấp xã quản lý hiệu quả địa bàn, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân và phục vụ Nhân dân.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh mới sau khi sáp nhập sẽ mang tên tỉnh Gia Lai, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại địa bàn tỉnh Bình Định.