Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Hồng Thái Đất và người

PV - 21:52, 22/01/2018

Chúng tôi lên xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đúng mùa lúa chín. Những thửa ruộng như bậc thang khổng lồ bắc từ chân thung lũng lên đỉnh núi nhuộm màu vàng ruộm, tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp nao lòng.

Ruộng bậc thang ở Hồng Thái là minh chứng cho sức lao động bền bỉ không ngại khó, ngại khổ của con người trong hành trình chinh phục thiên nhiên. Cùng với tạo hóa, những “nghệ sĩ” nông dân nơi đây đã tạo cho đời một kiệt tác nghệ thuật.

Bức tranh nghệ thuật từ bàn tay lao động

Theo người già ở Hồng Thái kể lại, cách đây khoảng 200 năm, tại khu Tắc Sáng thôn Khau Tràng có 30 hộ người Tày sinh sống. Thiếu đất trồng lúa nước, họ đã bắt tay vào khai phá đất bằng trên các đỉnh núi, vỡ từng vạt đồi để đắp đất, be bờ, bắt nước từ các khe lạch tạo thành những thửa ruộng để cấy lúa.

Phụ nữ xã Hồng Thái thăm lúa và trao đổi kinh nghiệm sản xuất . ( ảnh minh họa ) Phụ nữ xã Hồng Thái thăm lúa và trao đổi kinh nghiệm sản xuất( ảnh minh họa ).

 

Ông Đặng Văn Phú, thôn Nà Kiếm năm nay đã ngoài 70 tuổi tâm sự: “Trước kia ở Hồng Thái chỉ thôn Khau Tràng mới có ruộng. Sau này người dân các thôn còn lại đã tìm hiểu và học cách khai khẩn ruộng hoang của bà con Khau Tràng để cầy cấy, đảm bảo lương thực phục vụ cuộc sống. Từ đời cụ, kỵ, cha ông chúng tôi, ruộng bậc thang đã mang lại nguồn sống cho bà con dân bản. Các thế hệ người Mông, người Dao nối tiếp nhau không ngừng bồi đắp thêm những nấc ruộng mới. Tại các điểm khi người ta khai phá lại đặt tên riêng cho mỗi xứ đồng. Lớn nhất phải kể đến xứ đồng Tắc Sáng, Nà Luông, Nà Sen…”

Để những thửa ruộng nên hình, nên dạng, có thể canh tác được và đảm bảo năng suất, những người nông dân ở Hồng Thái đã trải qua bao ngày tháng dãi dầm mưa nắng. Anh Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết, khai phá ruộng bậc thang gian nan vất vả gấp nhiều lần những thửa ruộng ở đồng bằng.

Nhớ lại hơn 20 năm về trước, khi ấy còn là thanh niên, anh đã cùng gia đình vỡ đất trên những sườn đồi ở Khau Tràng. Để bạt núi, đắp đất, be bờ một thửa ruộng có khi mất cả tháng ròng. Do diện tích các đám ruộng rất nhỏ, muốn cầy cấy thuận tiện, bà con phải tự chế tác ra chiếc bừa rộng gần 1 mét. Sau này tập quán canh tác đổi mới, các hộ gia đình thỏa thuận trao đổi ghép những thửa ruộng nhỏ thành thửa ruộng lớn liền vùng, liền khoảnh thuận tiện cho canh tác. Nhờ vậy mà đến nay, máy cày, máy bừa đã có thể làm dễ dàng trên những thửa ruộng bậc thang.

Sức lao động cần cù, sáng tạo của ngưởi nông dân Hồng Thái đã giúp cuộc sống ấm no và tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Những thảm lúa vàng hình mâm xôi, hình dòng suối, dòng sông uốn lượn cứ nối tiếp nhau kéo dài đến tận chân trời.

Cánh đồng đẹp nhất tỉnh

Ruộng bậc thang ở Hồng Thái được đánh giá là đẹp nhất tỉnh Tuyên Quang cả về quy mô diện tích và sự kỳ vĩ. Ông Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái chia sẻ, hiện tổng diện tích ruộng bậc thang ở Hồng Thái là 82 ha, tập trung nhiều nhất tại các thôn: Khau Tràng 30ha, Pắc Khoang 10ha, Nà Mụ hơn 10ha…

Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong canh tác ruộng bậc thang ở Hồng Thái là thiếu nước vì phần lớn diện tích ruộng phải phụ thuộc vào nước tự nhiên. Để có nước cày cấy, bà con phải bắt nước tại các khe, lạch trên đỉnh núi về. Tuy nhiên vào mùa Đông, các khe lạch có lượng nước ít hơn, chỉ đủ cung cấp nước cho 1 - 2 thửa. Vì vậy, phần lớn diện tích ruộng nơi đây chỉ cấy được 1 vụ mùa. Đến nay, xã đã xây dựng được đập thủy lợi Khuổi Phầy, Nà Mụ đảm bảo tưới tiêu được 30 ha, và hơn 1km mương đất, còn lại dựa vào diện tích khe lạch.

Trong gian khó, người Hồng Thái luôn nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng. Chị Bàn Thị Thương, thôn Khau Tràng chia sẻ, đến mùa bắt nước vào ruộng, các hộ đắp phai tạm, khe lạch. Không ai bảo ai, như thông lệ, nhà bắt nước trước luôn có ý thức nhường đường nước cho nhà bắt sau, nhà có ruộng ở trên ưu tiên nước cho nhà có ruộng ở phía dưới, bà con cùng chung sức đảm bảo cả xứ đồng đều có nước. Cùng tăng gia sản xuất, năng suất lúa bình quân trên các xứ đồng hiện tại đạt 60 tạ/ha.

Thay đổi tập quán canh tác của bà con, những năm gần đây chính quyền xã Hồng Thái vận động bà con trồng cây hoa màu trên những diện tích chỉ làm được 1 vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân. Trong đó tập trung vào cây ngô, đậu tương và trồng 15 ha rau vụ Đông.

Mang trên mình bức tranh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp, Hồng Thái đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách ưa đi “phượt”, những văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh. Qua thăng trầm của thời gian, ruộng bậc thang Hồng Thái minh chứng cho sức mạnh vô tận trong khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người. Huyện Na Hang đang tập trung phát triển du lịch, trong đó có địa danh Hồng Thái. Với bước đi đúng đắn, hợp lý của chính quyền địa phương, chắc chắn Hồng Thái sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Tuyên Quang.

ĐÀO THANH

Tin cùng chuyên mục
Cúm A và những điều cần biết

Cúm A và những điều cần biết

Thời tiết giao mùa cũng là lúc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh cúm mùa đặc biệt là cúm A. Cúm A có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Do đó, chúng ta cần trang bị kiến thức về căn bệnh này để phòng và trị bệnh một cách tốt nhất cho bản thân và gia đình.