Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Huồi Cọ Điểm sáng biên cương

PV - 15:55, 23/02/2018

Tôi có dịp quay lại Huồi Cọ (xã Nhôn Mai, Tương Dương, Nghệ An), khi mai, đào nơi miền biên viễn đã bắt đầu chúm chím nụ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà con (đa phần là đồng bào Mông) nơi đây đã và đang nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng Huồi Cọ trở thảnh bản kiểu mẫu.

Trưởng bản Và Khua Đớ đón chúng tôi trên con dốc dẫn vào Huồi Cọ. Dẫn thẳng chúng tôi về nhà mình; ông bảo, làm chén nước để xua đi cái lạnh ở miền sơn cước.

Câu chuyện mà Trưởng bản Và Khua Đờ chia sẻ, giúp chúng tôi hình dung được một phần nào đó cuộc sống của đồng bào Mông ở Huồi Cọ trước đây.

Ngày đó, cuộc sống của bà con muôn vàn khó khăn, cái đói nghèo luôn đeo đẳng, trẻ em không có điều kiện đến trường rồi ốm đau dịch bệnh… Cả bản có hơn 44 hộ gần 303 nhân khẩu, sống lay lắt trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhiều hộ đã có ý định sang Lào để sinh sống.

Bản Huồi Cọ trong sương sớm. Bản Huồi Cọ trong sương sớm.

 

Thế rồi khó khăn cũng qua. Ngày cán bộ nông nghiệp huyện vào bản để khảo sát đưa cây chanh leo vào trồng người dân vui cái bụng lắm. Cán bộ hướng dẫn bà con đào ao thả cá, tích nước tưới cho cây trồng … Riêng cây chanh leo thì năm 2017, là năm đầu tiên bản Huồi Cọ được huyện Tương Dương lựa chọn để thí điểm trồng. “Người Mông có lý của người Mông.

Khi người Mông tin cán bộ, tin vào Đảng thì người Mông có thể làm được bất cứ việc gì. Không dưng cán bộ huyện, rồi xã vào bản trồng chanh leo cho vất vả. Cũng muốn bà con có cuộc sống tốt hơn thì cán bộ mới làm thế”, Trưởng bản Và Khua Đờ nói.

Nghe Trưởng bản Và Khua Đờ nói, tôi lại nghĩ đến lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương. Ông bảo, việc thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào Mông thực sự là một hành trình vất vả. Để bà con tin, lãnh đạo địa phương phải mở đường sá, cải tạo hạ tầng; muốn bà con làm thì huyện phải xây dựng mô hình điểm làm trước.

Bộ đội Biên phòng giúp người dân dựng nhà mới, ổn định cuộc sống. Bộ đội Biên phòng giúp người dân dựng nhà mới, ổn định cuộc sống.

 

Trong giai đoạn đầu triển khai mô hình trồng chanh leo ở các bản làng thuộc xã Nhôn Mai, trong đó có Huồi Cọ, Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương phải cắt cử cán bộ thường xuyên luân phiên có mặt tại địa bàn để vừa tuyên truyền vận động người dân, vừa bắt tay làm cùng. Thế rồi dân bản tin, làm theo.

Anh Lô Khăm Kha, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Tương Dương vẫn còn nhớ như in ngày đưa cây chanh leo vào Huồi Cọ với nhiều nỗi lo thường trực: lo không biết khí hậu, thổ nhưỡng có phù hợp, lo về kỹ thuật chăm sóc của bà con có đáp ứng được hay không…; “Bà con ở Huồi Cọ trước nay chỉ quen làm lúa trên rẫy, tra dưa trên đồi, mọi hoạt động sản xuất, canh tác đều trông chờ vào ông trời. Nếu cây chanh leo không bén duyên vùng đất này, thì cái mất lớn nhất là niềm tin của đồng bào”, anh Kha đã thở phào khi kể lại.

Thế rồi, cán bộ huyện, cán bộ xã vui mừng nhất là được người dân nhiệt tình ủng hộ. Lúc đầu có 26 hộ tham gia mô hình trồng chanh leo, với diện tích 16ha. Hộ nhiều trồng đến 1.000 gốc, ít cũng trồng 500 gốc. Ngày mới tiến hành làm mô hình, cán bộ xã và cán bộ huyện phải cắt cử thay nhau bám hộ, bám bản để hướng dẫn bà con chăm sóc chanh để không bị chết, hướng dẫn bà con đào ao giữ nước đề phòng khi thời tiết khô hạn.

“Để thực hiện mô hình trồng chanh leo ở Huồi Cọ, huyện Tương Dương đã hỗ trợ đến 60% kinh phí nhưng ai cũng lo không thành công. Không lo làm sao được khi cũng trên diện tích ấy, trước đây bà con làm rẫy lúa, có mất mùa thì ít nhiều vẫn còn lúa để ăn. Trồng chanh leo nếu mất thì nguy”, anh Kha chia sẻ.

“Trời không phụ lòng người”, vụ chanh leo đầu tiên, bản Huồi Cọ đạt sản lượng hơn 40 tấn. Ấy là khối lượng nhập cho công ty bao tiêu, còn như sự “mách nhỏ” của những người có chuyên môn về cây trồng này, thì lượng chanh mà dân bản Huồi Cọ thu được còn cao hơn nhiều.

Cũng trên diện tích trồng chanh, dưới giàn chanh leo, bà con tận dụng nuôi gà đen, rồi khoanh vùng nuôi lợn đen, rồi trồng dưa mẹo. “Con gà hắn bắt sâu, bắt ốc sên cho cây, nên thuận được nhiều việc”, Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ Và Ca Sua cho hay.

Ông Ca Sua còn khoe, năm vừa rồi ông trồng 600 gốc chanh leo. Không tính tiền bán chanh, riêng dưa mẹo ông trồng dưới giàn chanh đã thu về 20 triệu đồng. “Không đủ dưa mà bán. 10.000 đồng một cân. Cả bản năm nay bán được hơn 100 triệu đồng tiền dưa” và Ca Sua phấn chấn ra mặt.

Chúng tôi thực sự bất ngờ về Huồi Cọ, về cách nghĩ, cách làm của đồng bào Mông trên đỉnh núi quanh năm hút gió. Cũng nhờ sự năng động, chịu khó của Chi bộ, Ban quản lý bản và người dân nơi đây, năm nay bản chỉ còn 28 hộ nghèo, trong khi năm ngoái cả bản có tới 38/44 hộ nghèo. Dự kiến là đến năm sau, số hộ nghèo còn giảm nữa.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, huyện đang tập trung xây dựng Huồi Cọ thành bản điểm về nông thôn mới của đồng bào Mông trên khu vực biên giới. Riêng kinh phí xây dựng đường giao thông, hạ tầng huyện sẽ đầu tư 2 tỷ đồng. “Chúng tôi sẽ vận dụng các chương trình, dự án, tập trung nguồn lực để Huồi Cọ thực sự là điểm sáng trên núi rừng biên cương” ông Hải khẳng định.

Chia tay đồng bào Mông ở Huồi Cọ khi những nụ đào đang chờ khoe sắc đón chào mùa xuân mà lòng khấp khởi thầm mừng cho cuộc sống mới nơi đây. Vẫn còn đó khó khăn nhưng tin rằng với sự chịu khó học hỏi, lao động cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước cuộc sống của người Mông ở Huồi Cọ sẽ có những đổi thay, đồng bào sẽ được đón nhiều cái tết trong no đủ và hạnh phúc.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.