Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và New Zealand được thiết lập ngày 19/6/1975. Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương là khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện và Đối tác chiến lược lần lượt vào năm 2009 và 2020. Trên cơ sở đó, sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp được duy trì. Với New Zealand, Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực cả về địa chính trị và kinh tế. Việt Nam cũng luôn coi trọng và thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với New Zealand.
Hợp tác thương mại là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-New Zealand. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đã đạt hơn 1,3 tỷ USD, trong đó nhập khẩu đạt 680,6 triệu USD và xuất khẩu đạt 648,9 triệu USD. Hợp tác kinh tế giữa hai bên có nhiều thuận lợi khi hai nước đều là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA). Đây là cơ sở để hai bên hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD.
Hợp tác đầu tư giữa hai nước tuy còn khiêm tốn song có nhiều tiềm năng để khai thác. Tính đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn hơn 208 triệu USD, tập trung các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng… Việt Nam có các dự án đầu tư tại New Zealand với tổng số vốn đăng ký 37,8 triệu USD.
Giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2021-2024. New Zealand là quốc gia có nền giáo dục phát triển, với hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao.
New Zealand trao nhiều suất học bổng và tổ chức các hoạt động tư vấn du học để thu hút sinh viên, học sinh Việt Nam. Các cơ sở giáo dục của hai nước cũng có nhiều chương trình liên kết đào tạo và nghiên cứu chung. Hợp tác giáo dục không chỉ giúp mỗi nước phát triển nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội mà còn góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, củng cố tình hữu nghị giữa hai nước.
Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước tiếp tục phát triển thuận lợi. Các lĩnh vực hợp tác, như nông nghiệp, lao động… tiến triển tích cực. Việt Nam nhận được nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của New Zealand ổn định và tăng dần theo từng năm, tập trung các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục… New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD ODA không hoàn lại trong giai đoạn 2021-2024, tương tự giai đoạn 2018-2021. Hai bên đang thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, như ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Việt Nam và New Zealand chia sẻ nhiều quan điểm, tầm nhìn chung về các vấn đề khu vực và thế giới. Hai nước ủng hộ lẫn nhau và phối hợp hiệu quả trong các diễn đàn quốc tế, khu vực cùng là thành viên, cũng như tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Điều này được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong tháng 1 năm nay. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác thực chất giữa ASEAN và New Zealand trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-New Zealand giai đoạn 2024-2027.
Việt Nam và New Zealand đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2025. Để kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, hai bên đang nỗ lực đẩy mạnh và khai thác những tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ Việt Nam-New Zealand phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới.