Sau quá trình dài lao động, đa số người về hưu đều có nhu cầu được nghỉ ngơi. Ðây cũng là thời điểm họ không bị vướng bận quá nhiều về thời gian, kinh tế, con cái hầu như đã trưởng thành, tự lập, nên có nhiều điều kiện để tận hưởng cuộc sống theo ý mình. Ðó là lý do sau nghỉ hưu, nhiều người cao tuổi ở các quốc gia châu Mỹ, châu Âu và châu Á đang có xu hướng tìm kiếm nơi ở tại nước ngoài, nơi sở hữu những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, ngôn ngữ, thị thực, có mức phí sinh hoạt hợp lý.
Sở hữu hệ thống cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực phong phú, đa dạng cùng nền văn hóa lâu đời, đặc sắc, Việt Nam được đánh giá là điểm đến lý tưởng của dòng khách du lịch hưu trí. Mới đây, dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu từ Numbeo về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới, tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Travel+Leisure đã công bố danh sách 8 quốc gia đáng sống có chi phí phải chăng dành cho du khách hưu trí, trong đó có Việt Nam.
Tổng chi phí sinh hoạt ở đây thấp hơn khoảng 59,3% so với ở Mỹ và giá thuê nhà thấp hơn khoảng 78,5% tùy thuộc vào địa điểm.
Những ghi nhận này càng chứng minh Việt Nam là nơi đáng đến của dòng khách nghỉ hưu toàn cầu. Cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, sự xuất hiện của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại nhiều bệnh viện lớn ở các tỉnh, thành phố, cùng sự gia tăng của đội ngũ nhân viên y tế có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh cũng đang góp phần chứng minh năng lực phục vụ của Việt Nam đối với dòng khách hưu trí.
Ðáng nói, dù có nhiều tiềm năng, du lịch hưu trí vẫn đang là thị trường bị bỏ ngỏ tại Việt Nam. Ðến nay, nước ta chưa có chính sách đặc thù để tạo sức hút mạnh mẽ đối với dòng khách này. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, một số quốc gia trong khu vực đã đưa ra những quyết sách mang tính đòn bẩy để nhắm tới thị trường khách hưu trí quốc tế. Ðiển hình như Thái Lan với chính sách “retirement visa” dành riêng cho những người về hưu đến sinh sống.
Theo đó, chỉ cần từ 50 tuổi trở lên, có số dư tài khoản mở tại ngân hàng Thái Lan cỡ trên 800 nghìn bath, khách nước ngoài có thể xin visa Thái Lan dài hạn trong nhiều năm, kèm theo một số điều kiện nhất định. Indonesia, Malaysia, Philippines... cũng có những chương trình visa với nhiều quyền lợi hấp dẫn để biến đất nước mình trở thành “ngôi nhà thứ hai” của khách hưu trí đến du lịch, sinh sống.
Theo các chuyên gia, Việt Nam không thể chậm chân hơn nữa trong cuộc đua giành thị phần du lịch hưu trí, bởi đây là phân khúc giúp mang đến nhiều lợi nhuận và tạo nhiều cơ hội công việc liên quan. Cần xem xét phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian sống lành mạnh, đặc biệt là có chính sách đủ hấp dẫn về visa dành riêng cho khách du lịch nghỉ hưu để thu hút họ tới Việt Nam.
Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đề xuất, bên cạnh thị trường khách hưu trí quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cũng không nên bỏ qua thị trường khách hưu trí nội địa, bởi còn nhiều dư địa phát triển. Bằng chứng là theo kết quả điều tra khách du lịch trong nước thời điểm trước dịch Covid-19 của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, số lượng khách cao tuổi mới chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu khách trong nước (khách từ 55-65 tuổi chiếm 4,53%, khách hơn 65 tuổi chiếm 1,44%), trong khi số lượng người cao tuổi tại Việt Nam (từ 60 tuổi) chiếm tới 12,8% dân số cả nước.
Việc xây dựng tour, tuyến cho đối tượng khách đặc thù này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên nghiệp cao của đơn vị tổ chức, từ thiết kế lịch trình du lịch phù hợp theo hướng giãn thời gian tham quan, tăng thời gian nghỉ ngơi, cho tới theo dõi tình trạng sức khỏe của du khách, bảo đảm chế độ ăn uống vệ sinh, hạn chế dầu mỡ, gia vị...
Từ góc độ doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết, nhóm khách hưu trí đến Việt Nam không đơn thuần chỉ muốn tham quan, ngắm cảnh mà còn đặc biệt quan tâm tới dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Lý do bởi cơ sở hạ tầng y tế, trình độ đội ngũ y, bác sĩ của Việt Nam ngày càng được nâng cao, Việt Nam cũng là quốc gia có nền y học cổ truyền lâu đời, chi phí y tế không quá cao. Do đó, cần có sự “bắt tay” chặt chẽ giữa ngành du lịch và y tế để xây dựng được những sản phẩm hấp dẫn, đặc sắc, giàu sức cạnh tranh, thu hút được dòng khách nghỉ hưu đến với Việt Nam...