Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Khám phá nét đẹp hoang sơ của đảo Hòn Sơn

PV - 11:58, 06/07/2023

Hòn Sơn là một đảo nhỏ thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang với diện tích 11,5 km2, nằm cách Tp. Rạch Giá khoảng 65 km về phía Tây. Với nét đẹp còn hoang sơ, cùng với việc chú trọng xây dựng hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện, đảo Hòn Sơn tạo được ấn tượng tốt đẹp với du khách gần xa khi đến tham quan.

Một góc đảo Hòn Sơn. Ảnh: kgtv.vn
Một góc đảo Hòn Sơn. Ảnh: kgtv.vn

Đảo Hòn Sơn có sự quần tụ của 7 ngọn núi, trong đó cao nhất là đỉnh Ma Thiên Lãnh với chiều cao 450 m so với mực nước biển. Nhiều du khách trẻ khi đến với Hòn Sơn thường không bỏ qua hành trình chinh phục đoạn đường hơn 1.200 m đến đỉnh Ma Thiên Lãnh để ngắm toàn cảnh biển đảo, đến với những bãi biển đẹp, hoang sơ, nước biển xanh màu ngọc bích...

Một số bãi biển được nhiều người biết đến ở Hòn Sơn là bãi Bàng, bãi Thiên Tuế, bãi Giếng, bãi Nhà, bãi Bấc… Những bãi biển này có bãi cát trắng dài, xen lẫn những bãi đá độc đáo, xung quanh là những rặng dừa xanh mát tạo nên những khung cảnh thơ mộng. Đến với Hòn Sơn, ngoài bơi lội và chụp ảnh, du khách còn có thể trải nghiệm các hoạt động lặn ngắm san hô và câu cá.

So với một số đảo du lịch nổi tiếng ở tỉnh Kiên Giang như Phú Quốc, Nam Du, đảo Hòn Sơn được khai thác phát triển du lịch muộn hơn. Tuy nhiên, nơi đây có lượng khách đến tham quan, khám phá ngày càng tăng. Theo chia sẻ của nhiều du khách, điểm thu hút của Hòn Sơn chính là nét đẹp còn hoang sơ, giá cả các dịch vụ du lịch, ẩm thực khá bình dân.

Du khách Trần Văn Sang, ngụ Tp. Châu Đốc, tỉnh An Giang chia sẻ: Đây là lần thứ 2 anh đến du lịch ở Hòn Sơn. Điều làm anh và nhóm bạn thích đến nơi đây chính là phong cảnh biển đảo còn hoang sơ. Không chỉ vậy, giá cả các dịch vụ nơi đây khá bình dân và người dân địa phương rất thân thiện, mến khách.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở Hòn Sơn thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của chính quyền địa phương, ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang về xây dựng du lịch chất lượng, an toàn, thân thiện, nhằm góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói này.

Ông Huỳnh Minh Kha, quản lý Khu Du lịch Bãi Bàng, xã Lại Sơn cho biết: "Khu Du lịch Bãi Bàng đặt tiêu chí xây dựng và phát triển du lịch lâu dài nên coi trọng cung cách phục vụ khách, đồng thời kinh doanh đúng giá đã niêm yết. Ở đây, nguồn hải sản dồi dào, có sẵn ở địa phương tạo điều kiện cho Khu du lịch cung ứng với giá bình dân nhằm hấp dẫn du khách".

Đảo Hòn Sơn bắt đầu phát triển mạnh du lịch từ năm 2018 đến nay. Thống kê của ngành chức năng địa phương, trung bình mỗi năm, xã đảo này đón hơn 550.000 lượt khách. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Hòn Sơn đạt hơn 450.000 lượt người. Du lịch Hòn Sơn phát triển, góp phần phát triển du lịch huyện Kiên Hải cũng như tỉnh Kiên Giang.

Chủ tịch UBND xã Lại Sơn Giang Văn Tài thông tin thêm, xác định du lịch là một trong những ngành thế mạnh để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, Đảng ủy, UBND xã đã và đang triển khai nhiều mặt công tác nhằm giúp du lịch phát triển bền vững.

Xã tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; thường xuyên kiểm tra chất lượng các dịch vụ du lịch về giá cả, an toàn thực phẩm; tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường. Xã đã đề ra mục tiêu xây dựng du lịch Hòn Sơn văn minh, an toàn và thân thiện.

Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, để phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch biển đảo trên địa bàn, ngành cần thực hiện nhiều giải pháp như nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch và hình thành, phát triển các tuyến du lịch biển đảo mới để kết nối Kiên Giang với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Ngành tăng cường tuyên truyền kết hợp kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch; quy định về giá, niêm yết giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư khá, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú cho du khách khi đến các đảo tham quan du lịch, trong đó tập trung ở các hòn đảo đang có nhiều tiềm năng du lịch như: Phú Quốc, Nam Du, Hòn Sơn, Hòn Tre...Tỉnh tăng cường năng lực và phương tiện vận tải an toàn đến các vùng du lịch biển đảo.

“Cùng với những giải pháp trên, ngành Du lịch tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng chương trình, chính sách khuyến mãi thu hút khách du lịch; phục vụ du khách với tinh thần trách nhiệm và thái độ văn minh, lịch sự, tận tâm. Ngành tiếp tục khảo sát các sản phẩm du lịch, đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được tăng cường đi đôi với cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Ngành đẩy mạnh truyền thông chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc để thu hút khách nước ngoài”, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái nhấn mạnh.

Những định hướng đúng đắn, sự quan tâm sâu sát trong triển khai thực hiện nhiều mặt công tác của ngành chức năng, chính quyền địa phương, cùng tinh thần, trách nhiệm của những người làm du lịch chính là đòn bẩy thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững, góp phát triển kinh tế, xã hội của huyện Kiên Hải nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Ngày 21/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức Ngày hội đua vỏ lãi năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm sự kiện chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954 - 2024). Ngày hội thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến theo dõi.