Bước chuyển đổi về tư duy
Từ nhiều năm qua, Khánh Sơn được biết đến là thủ phủ của các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Với 4.911ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 3.941ha trồng cây lâu năm, trong đó có 3.308ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao, gồm: 2.600ha sầu riêng, 349ha bưởi da xanh, 38ha quýt, 51ha chôm chôm và các loại cây ăn quả khác.
Hiện nay, huyện Khánh Sơn đang chuyển đổi mạnh mẽ giống cây trồng, xóa bỏ cây trồng giá trị thấp, đặc biệt hướng đến cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, sẽ có kết nối cung cầu; từ đó thúc đẩy kinh tế huyện phát triển theo hướng bền vững".
Ông Bùi Hoài Nam Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế này, huyện Khánh Sơn đã tập trung triển khai Đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp; hỗ trợ người dân thay đổi dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng, phù hợp yêu cầu thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị. Chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững; hỗ trợ và kết nối đầu ra cho nông sản…
Điển hình như tại xã Sơn Bình, nhiều năm qua, địa phương đã tập trung phát triển những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Toàn xã hiện có 490ha sầu riêng, 8ha măng cụt, 68ha bưởi da xanh và nhiều diện tích cây ăn quả khác. Chính quyền xã tuyên truyền, vận động bà con nông dân áp dụng các giải pháp sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã được người dân địa phương chú trọng phát triển, đầy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thị. Từ đó, một bộ phận đồng bào DTTS đã nâng cao thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Như hộ ông Cao Đạm, ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, từ năm 2009, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện, gia đình ông bắt đầu chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng sầu riêng xen canh bưởi, mít. Đến nay, trên diện tích 5ha với 300 cây sầu riêng, 200 cây bưởi, 50 cây mít mang lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm.
Theo ông Bùi Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn: Hiện nay, huyện Khánh Sơn đang chuyển đổi mạnh mẽ giống cây trồng, xóa bỏ cây trồng giá trị thấp, đặc biệt hướng đến cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, sẽ có kết nối cung cầu; từ đó thúc đẩy kinh tế huyện phát triển theo hướng bền vững.
Trợ lực từ Chương trình MTQG 1719
Tại huyện Khánh Vĩnh - vùng trồng bưởi da xanh lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với hơn 600ha, năng suất bình quân 8 tấn/ha, mỗi năm, huyện cung cấp khoảng 4.000 tấn bưởi da xanh ra thị trường. Trên địa bàn huyện hiện đã hình thành nhiều Hợp tác xã (HTX) trồng bưởi với sự tham gia của các hộ đồng bào DTTS. Nổi bật là HTX Hiệu Linh, ở xã Khánh Thành. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động DTTS với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, HTX còn liên kết sản xuất với hơn 20 hộ trồng bưởi trên địa bàn, thực hiện cung cấp cây giống, vật tư, quy trình canh tác đạt chuẩn và thu mua toàn bộ sản phẩm bưởi cho người dân.
Đặc biệt, với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I; từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), năm 2024, huyện Khánh Vĩnh đang triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi trên toàn huyện. Theo đó, đã tổ chức 1 lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho đồng bào DTTS, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo chia sẻ của bà Huỳnh Công Thị Thùy Trang - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Khánh Vĩnh, để tiếp tục triển khai Chương trình MTQG 1719 năm 2024, huyện đang tổng hợp, thẩm định hồ sơ của các địa phương để đẩy mạnh triển khai giải ngân nguồn vốn của chương trình. Từ đó, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi trong năm 2024.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 81 liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp; nhiều doanh nghiệp, HTX đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, từng bước xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, nhiều HTX, chuỗi liên kết tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như: Bưởi da xanh, sầu riêng, lúa, chăn nuôi...