Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Khi đồng bào Cơ-ho làm nông nghiệp công nghệ cao

PV - 11:28, 01/04/2019

“Từ khi bà con ở đây chuyển đổi phát triển kinh tế theo hướng công nghệ cao, thu nhập đã tăng lên. Cuộc sống của bà con ngày càng ấm no hạnh phúc, diện mạo buôn làng thay đổi rất nhiều”, ông Cil Mip Noa ngụ tại Tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng) chia sẻ về cuộc sống của đồng bào Cơ -ho trong vùng.

Một góc thị trấn Lạc Dương. Một góc thị trấn Lạc Dương.

Gia đình ông Cil Mip Noa, ngụ tại Tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương có hơn 3ha đất nông nghiệp; trước đây trồng cây lương thực, rau chỉ đủ trang trải cuộc sống. Mấy năm nay, ông Noa chuyển đổi trồng hoa cát tường, hoa cúc và dâu tây theo hướng ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần nửa tỷ đồng.

Tương tự, gia đình ông Kra Jan Blim ở Bon Đơng 1, có 3 sào đất, trước đây chỉ làm được lúa 1 vụ, thu nhập bấp bênh nên đói nghèo đeo bám mãi không dứt. Từ ngày tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư, cải tạo đất trồng hoa hồng theo hướng công nghệ cao. Mỗi năm vườn hồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, trong thời gian ngắn, gia đình ông trả được nợ, có của ăn của để, mua sắm các vật dụng trong gia đình. Đến nay, vườn hồng vẫn đều đặn cho thu lãi 300 triệu đồng/năm.

“Nhờ vườn hoa hồng mà cả gia đình không còn phải lo cái ăn, cái mặc, các con được ăn học đến nơi đến chốn và xây được căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi như bây giờ”, ông Kra Jan Blim cho biết.

Song song với việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bà con nơi đây còn biết cách tận dụng tiềm năng, thế mạnh về văn hóa để phát triển du lịch, tăng thêm nguồn thu.

Dệt thổ cẩm từ khi còn là thiếu nữ, đến nay bà Ka Liêng K’Phước, ở buôn B’Nơr C, thị trấn Lạc Dương không nhớ nổi mình đã dệt bao nhiêu chiếc áo, chiếc khăn… thổ cẩm bán cho du khách. Bà chỉ nhớ rằng, trước đây bà con khổ lắm, dệt được tấm thổ cẩm mất rất nhiều thời gian mà phải cầm đi khắp nơi để bán.

Nhưng bây giờ làm ra sản phẩm nào du khách mua hết, bà con ai nấy đều hào hứng với nghề dệt truyền thống. Ngoài dệt thổ cẩm, ủ rượu cần, đồng bào Cơ-ho dưới chân núi Langbiang còn lập 11 đội cồng chiêng phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa bản địa của du khách.

Vườn hoa hồng của gia đình ông Kra Jan Blim. Vườn hoa hồng của gia đình ông Kra Jan Blim.

Việc đứng ra tổ chức trình diễn cồng chiêng hàng đêm cho du khách đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Qua đó, vừa giúp buôn làng có thể bảo tồn được văn hóa, vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho cả gia đình, dòng họ.

Theo số liệu, hiện nay, toàn huyện đã phát triển 740ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính, với thu nhập bình quân 225 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, diện tích trồng rau cho doanh thu bình quân từ 500 đến 800 triệu đồng/ha/năm, diện tích trồng hoa đạt 800 đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cá biệt có diện tích trồng hoa ly đạt đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Gần 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hệ thống giao thông được bê tông, nhựa hóa về đến các thôn, buôn. Công cuộc giảm nghèo nhanh bền vững đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 5,2%.

Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa để những bản sắc văn hóa độc đáo cồng chiêng, lễ hội, âm nhạc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và rượu cần đến được với khách du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Song song với văn hóa, địa phương sẽ phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao hướng đến nền nông nghiệp sạch để phát triển du lịch canh nông.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.