Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Khi nhà nông “say” công nghệ

Hà Nguyễn - 11:15, 29/06/2021

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ thời 4.0, những nông dân tỉnh Đồng Tháp cũng đang thay đổi tư duy, cách làm để tiếp cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh.

Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV cho lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV cho lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Say công nghệ ở tuổi 70

Gia đình ông Nguyễn Phú Hiệp, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh hiện có khoảng 4,5 ha xoài trồng theo hướng hữu cơ, được chứng nhận VietGAP.

Mạnh dạn theo hướng hiện đại, ông Hiệp nhận lại "quả ngọt" khi giá xoài hữu cơ luôn cao hơn trái trồng theo cách truyền thống, mang lại cho gia đình ông đời sống ổn định. Vườn xoài của ông Hiệp cũng thường xuyên có các nhà khoa học, kĩ sư, nhà vườn đến trao đổi học tập kinh nghiệm về cách trồng xoài hữu cơ.

Ông Hiệp vui vẻ cho biết: Trồng xoài sạch không được sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng; trồng xoài hữu cơ có nhiều cái lợi, không những bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mà còn rất tốt cho đất, cho cây, cho cộng đồng; giá bán xoài trồng theo hướng hữu cơ thì lúc nào cũng cao hơn so với trồng bình thường. Ông còn khẳng định: "Vườn xoài nhà tôi chưa bao giờ bị ế, bởi vì ai mà không muốn ăn trái xoài sạch để tự bảo vệ sức khỏe mình".

Để có những trái xoài hữu cơ, ông Hiệp là một trong những người đi đầu trong việc sử dụng công nghệ thông minh. Ông tham gia nhiều khóa đào tạo nghề trồng trọt do địa phương tổ chức. Mỗi lần như thế, ông tận dụng cơ hội để rút ra được bài học, kinh nghiệm và ứng dụng vào sản xuất. 

Để giữ gìn, quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh, ông Hiệp còn quy tụ được nhóm bạn, thành lập “Câu lạc bộ” Internet và điện thoại thông minh. Mặc dù đã ở tuổi 70, nhưng ông Hiệp biết rõ các các ứng dụng như mail, Zalo, Facebook, Google nên việc chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt rất thuận lợi...

Đưa công nghệ vào nghề nông

Tại xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, ông Nguyễn Phú Thạnh là một trong những người đã sáng chế thành công hệ thống tưới cây, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) điều khiển bằng điện thoại di động.

Ông Thạnh cho biết năm 2011, trong một lần thấy con trẻ điều khiển chiếc xe ô tô điện tử, trong đầu ông chợt có ý nghĩ sẽ làm hệ thống tưới nước tự động và điều khiển bằng remote. Để có được kiến thức về điện, mạch, chíp, bán dẫn, sóng… ông tìm đến một vài người bạn trong lĩnh vực điện tử và tự mày mò học hỏi trên Internet.

Khi thấy ưu điểm của điện thoại là có thể phủ sóng mọi nơi, ông Thạnh bắt đầu tìm cách đấu nối, lắp sim số vào bộ điều khiển. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã chế tạo thành công hệ thống phun thuốc BVTV, tưới cây điều khiển bằng điện thoại di động.

Theo ông Thạnh, việc sử dụng hệ thống phun thuốc BVTV, tưới cây điều khiển bằng điện thoại di động không chỉ giúp giảm nhân công mà còn mang lại hiệu quả kinh tế. Trước đây, để tưới cho cả khu vườn, ông phải làm từ 7 giờ sáng đến trưa. Còn bây giờ, chỉ với cái mô-tơ, thiết kế 6 van, thời gian tưới nước của mỗi van là 10 phút, việc tưới nước chỉ mất 60 phút cho cả khu vườn.

Còn tại vùng trồng lúa huyện Tháp Mười, nhiều hộ nông dân được mãn nhãn với hoạt động của Trạm giám sát sâu rầy thông minh, đặt tại đồng lúa của nông dân thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi cho biết, đây là mạng lưới mang lại rất nhiều tiện ích cho nông dân. Bây giờ chuyện sâu rầy không phải quá lo lắng nữa. Trước đây cứ thấy sâu rầy là dùng ngay thuốc vừa tốn tiền mà không đem lại hiệu quả; Còn bây giờ chỉ cần mở phần mềm cài sẵn trên điện thoại là có thể biết được mật độ sâu rầy trong từng thời điểm, chủng loại gì, rồi mới quyết định phun thuốc hay không, đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Cũng không ít nông dân các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông... được một lần nhìn thấy hoặc đã từng sử dụng thiết bị phun thuốc BVTV không người lái trên đồng lúa. Việc áp dụng công nghệ này trong sản xuất mở ra bước tiến mới cho nền nông nghiệp ở Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Chánh Tài ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh là người đã áp dụng phun thuốc BVTV bằng máy bay 02 vụ trên cánh đồng gần 11 ha. Theo ông Tài, nhân công làm ruộng bây giờ khó thuê mướn, nhất là vào cao điểm phun thuốc hay thu hoạch. Vì vậy, thấy được hiệu quả của phun thuốc bằng máy bay là ông áp dụng liền. Chi phí phun thuốc bằng máy bay và thuê người phun thủ công thì không chênh lệch nhiều. Nhưng phun bằng máy bay thì lợi nhiều lắm, không những tiết kiệm 15% lượng thuốc BVTV, thời gian phun nhanh, tác động hiệu quả lên cây lúa mà quan trọng hơn cả đó là người phun thuốc không bị ảnh hưởng sức khỏe do không phải mang vác nặng và tiếp xúc trực tiếp với thuốc khi phun.

Có thể thấy, công nghệ thời 4.0 giờ đã len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng. Những cánh đồng được cơ giới hóa từ mặt đất, đến phun thuốc, quản lý dịch hại từ trên bầu trời đã mang đến sắc thái mới cho nền nông nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục
Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhằm giúp chống biến đổi khí hậu khi Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Nhật Bản đã triển khai dự án khôi phục hệ sinh thái tự nhiên dọc bờ biển của thành phố cảng Yokohama, phía Nam Tokyo, bằng cách trồng rong lươn - loại cỏ biển màu xanh nhạt.