Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Nông dân Singapore biến chất thải thành tài nguyên

Duy Ly (biên dịch theo CNBC) - 16:15, 11/06/2021

Insectta - một trang trại công nghệ cao nuôi ruồi lính đen, với mục tiêu biến chất thải thực phẩm thành vật liệu sinh học sử dụng trong công nghiệp. Đây cũng là một trong những “trang trại côn trùng đô thị” đầu tiên tại Singapore.

Eco-Ark là một trang trại nuôi cá nổi khép kín nằm ngoài khơi bờ biển Singapore, sản xuất hơn 160 tấn cá mỗi năm
Eco-Ark là một trang trại nuôi cá nổi khép kín nằm ngoài khơi bờ biển Singapore, sản xuất hơn 160 tấn cá mỗi năm

Bà Chua Kai-Ning – người sáng lập Insectta cho biết: “Những chú ruồi lính đen này góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi mà chúng ta sản xuất ra các sản phẩm mà không phải bỏ đi bất cứ thứ gì. Sau khi tìm ra được cách áp dụng công nghệ cao để biến rác thải, thành những nguồn nguyên liệu có ích, một số người dân Singapore đã chuyển sang mô hình nông nghiệp đô thị tại chính thành phố khan hiếm đất đai này”.

Khả năng tiêu thụ thức ăn thừa, được ví như siêu năng lực của ruồi lính đen (thực chất là sâu canxi - ấu trùng của ruồi lính đen). Một cân ấu trùng có thể xử lý 4 cân chất thải chỉ trong vòng 24 giờ. Thức ăn của chúng khá đa dạng. Trong chăn nuôi, chúng sẽ ăn rau củ thừa, phế phẩm sau chế biến, phân động vật…, trong trồng trọt chúng ăn các loại củ, trái cây bị hư thối. Còn trong công nghiệp, chúng tiêu thụ các phế phẩm công nghiệp, như bã đậu tương từ ngành sản xuất bia…

Không chỉ dừng lại ở đó, từ các trang trại côn trùng, các khay chứa ấu trùng được vận chuyển đến một phòng thí nghiệm ở phía bên kia quốc đảo. Tại đó, những vật liệu sinh học chiết xuất từ ​​ấu trùng, được sử dụng để sản xuất ra các chất có giá trị đối với công nghệ chế tạo thiết bị điện tử, dược phẩm hay mỹ phẩm…, chẳng hạn như chất chitosan và melanin dùng trong chế biến dược phẩm.

Tương lai của nông nghiệp đô thị là Deep Technology (Công nghệ sâu). Các công ty công nghệ sâu, thường là những công ty khởi nghiệp được thành lập dựa trên những đột phá về khoa học và kỹ thuật, nhằm khai thác công nghệ để giải quyết những thách thức về môi trường và xã hội.

Mặc dù đi tiên phong, nhưng Insectta, không phải là công ty duy nhất nghĩ ra những cách thức canh tác ứng dụng công nghệ cao. Có rất nhiều công ty khởi nghiệp đã triển khai các mô hình tương tự và thành công. Đặc biệt, những người nông dân truyền thống cũng đang khai thác tiềm năng công nghệ để phục vụ cho mô hình sản xuất của mình.

Eco-Ark là một trong những ví dụ như vậy. Trang trại nổi khép kín này, nằm ở phía đông của Singapore sử dụng nước biển đã thông qua xử lý để nuôi cá.

Trang trại này có diện tích gần bằng hai sân bóng rổ, sử dụng năng lượng xanh – khai thác từ chính tấm pin năng lượng mặt trời đặt phía trên mái, giúp cung cấp năng lượng cho khoảng 20% ​​hoạt động canh tác.

Các trang trại nuôi cá bằng lưới lộ thiên dễ bị ảnh hưởng, bởi các mối đe dọa từ môi trường biển như sinh vật phù du nở hoa (như tảo nở hoa – tảo sinh sản quá nhiều và nhanh khiến cho nước đục xanh và ô nhiễm do không có sự cân bằn môi trường), sự cố tràn dầu và nước biển ấm do biến đổi khí hậu...

"Không giống như những trang trại truyền thống, cá ở Eco-Ark được sống trong nước biển đã được lọc và xử lý để tiêu diệt mầm bệnh. Khi cá lớn lên, chúng sản xuất ra nhiều amoniac và nitrat. Nước trở lại biển là nước đã được xử lý không còn là chất thải. Ngoài hệ thống lọc nước giúp hạn chế tỷ lệ chết của cá nuôi, đây còn là trang trại nổi công nghệ cao đầu tiên trên cả nước kết hợp xử lý sản phẩm thừa”, ông Loew, Giám đốc Eco-Ark cho biết.

Sau khi làm sạch và sơ chế cá đem đi tiêu thụ, xương cá và đầu cá còn sót lại được vo thành dạng viên có thể dùng làm phân bón cây trồng, tránh lãng phí không cần thiết.

Insectta chứng minh sắc tố melanin hòa tan trong nước có nguồn gốc từ ấu trùng ruồi lính đen.
Insectta chứng minh sắc tố melanin hòa tan trong nước có nguồn gốc từ ấu trùng ruồi lính đen.

Có thể thấy, với những thách thức của biến đổi khí hậu và dân số ngày càng tăng, việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ cao để “biến chất thải thành tài nguyên” đã trở thành một khâu quan trọng, nhằm ứng phó với các mối đe dọa tới sự bền vững của quốc gia.

Trong ngân sách mới đây được công bố, Singapore đã dành 60 triệu đô la Sing (khoảng 45,2 triệu đô la Mỹ), để khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, nước này cũng dành riêng 23 triệu đô la Sing từ quỹ “Sản xuất lương thực đô thị bền vững” để tài trợ cho hàng chục dự án nghiên cứu và phát triển khác.

Phát triển bền vững thường đi liền với nhiều thách thức. Tuy nhiên, thách thức đồng nghĩa với cơ hội và khó khăn là nền tảng đầu tiên của sự thay đổi. Đây là quan điểm được nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ cao đồng tình.

Tuy nhiên “Nếu chúng ta không tìm kiếm các giải pháp mới cho các vấn đề hiện tại như khủng hoảng lãng phí thực phẩm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được bất kỳ bước tiến nào”, bà Chua Kai-Ning- người sáng lập Insectta khẳng định.