Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Khi sinh kế của người dân ổn định...

Sỹ Hào - 13:19, 02/09/2020

Thời gian qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người nghèo đã được thực hiện, từ đó tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên. Điều này cho thấy, kết quả giảm nghèo chỉ có thể bền vững khi sinh kế của người dân được ổn định và bền vững.

Hỗ trợ tạo sinh kế là giải pháp giảm nghèo bền vững. (Ảnh minh họa)
Hỗ trợ tạo sinh kế là giải pháp giảm nghèo bền vững. (Ảnh minh họa)

Nhân niềm vui trong Tết Độc lập

Trong những ngày này, người dân ở xã biên giới Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) rộn ràng chào mừng Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Đối với nhiều hộ nghèo ở Đăk Ơ, niềm vui đón Tết Độc lập được nhân đôi, khi chính quyền địa phương trao tặng vật nuôi để cải thiện sinh kế.

Gia đình ông Điểu Tho, dân tộc Xtiêng, là hộ nghèo ở thôn Bù Ka, xã Đăk Ơ. Từ trước tới nay, nguồn thu nhập của gia đình ông chủ yếu dựa vào đi làm thuê, cuốc mướn nên không thoát cái nghèo.

“Rất mừng là ngày 28/8 vừa rồi, gia đình tôi được hỗ trợ cặp bò giống lai Sind sinh sản. Có cặp bò, gia đình tôi sẽ trồng thêm cỏ, chăm sóc bò tốt để có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống, từ đó vươn lên thoát nghèo”, ông Điểu Tho phấn khởi nói.

Được biết, gia đình ông Điểu Tho là 1 trong 156 hộ nghèo ở các xã biên giới của huyện Bù Gia Mập được cấp bò giống sinh sản từ hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 năm 2020 của tỉnh Bình Phước. Việc trao bò giống lai Sind sinh sản nằm trong kế hoạch giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước trong năm 2020; trong đó huyện Bù Gia Mập phấn đấu giảm 341 hộ đồng bào DTTS nghèo.

Gia đình ông Điểu Tho cũng là một trong hàng triệu hộ nghèo DTTS trên cả nước đã được hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế để từng bước vươn lên trong cuộc chiến chống đói nghèo. Thực tế, cũng đã có rất nhiều gia đình khi được hỗ trợ cải thiện sinh kế đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Như gia đình bà Điểu Thị Ngơu, dân tộc Xtiêng, ở thôn Bù Lư, xã biên giới Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), từ một hộ nghèo, bà được vay vốn ưu đãi để mua 3 con bò sinh sản vào năm 2016. Đến nay, chẳng những bà đã trả hết nợ mà còn có 5 con bò, thu nhập ổn định. Năm 2019, bà Ngơu còn “dư dả” để hỗ trợ 2 con bò cho người thân phát triển kinh tế.

Chương trình tặng bò cho hộ DTTS nghèo ở huyện Hải Hà, Quảng Ninh.
Chương trình tặng bò cho hộ DTTS nghèo ở huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Giải pháp để giảm nghèo bền vững

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong 4 năm (2016 - 2019), cả nước có hơn 1,3 triệu hộ đã thoát nghèo.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, đẩy nhiều người dân vào tình trạng thất nghiệp, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói, nhưng theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, ước thực hiện đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ giảm còn khoảng 2,75%. Ngay cả những vùng “lõi nghèo” cũng ghi nhận những chuyển biến hết sức tích cực.

Như với các huyện nghèo, trong giai đoạn 2016 - 2019, bình quân mỗi năm giảm được 5,65%, vượt 1,65% so với chỉ tiêu bình quân được Quốc hội giao. Đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 24% và sẽ có khoảng hơn 30 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt mục tiêu đề ra.

Với các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, thì đến nay cũng đã có 95/292 xã thoát khỏi tình trạng ĐBKK, vượt 2,5% so với mục tiêu đề ra. Còn các xã, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS, tuy công tác giảm nghèo gian nan hơn rất nhiều, nhưng cũng vẫn đạt được mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân 4%/năm.

Kết quả giảm nghèo nêu trên là rất đáng khích lệ; điều quan trọng nhất là, cùng với nỗ lực tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, cần đặc biệt quan tâm làm sao giảm thiểu tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh. Từ ví dụ của gia đình bà Điểu Thị Ngơu nêu trên có thể thấy rằng, việc hỗ trợ sinh kế ổn định chính là giải pháp hữu hiệu để quả giảm nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống ở tỉnh Bạc Liêu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào Khmer. Từ năm 2021 đến nay, Chương trình MTQG 1719 là nguồn lực quan trọng, “tiếp sức” cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện mục tiêu “kép”, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer để phát triển du lịch.