Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Khoảng trống trong giáo dục giới tính

Hồng Phúc - 20:28, 02/03/2023

Một bé gái lớp 7 tại Bắc Giang đã sinh con tại nhà tắm khiến tất cả gia đình, nhà trường “ngã ngửa” , là tin tức gây nhức nhối dư luận gần đây. Những hệ luỵ đáng tiếc, đau lòng của quan hệ tình dục tuổi vị thành niên không phải là câu chuyện mới, nhưng một lần nữa vụ việc này đặt cho chúng ta câu hỏi: Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên đã được chú trọng đúng mức?

Cơ quan công an thi hành Lệnh tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nông Văn Minh (áo trắng) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” tại Bắc Giang
Cơ quan Công an thi hành Lệnh tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nông Văn Minh (áo trắng) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” tại Bắc Giang

Trách nhiệm thuộc về ai?

Bà Đinh Thanh Phương, Hiệu trưởng trường của bé gái chia sẻ: “Là học sinh lớp 7, nhưng thể trạng của em C. lớn hơn các bạn khác đồng trang lứa. Khi đến trường, em thường xuyên mặc áo chùng rộng và không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nên thầy cô và bạn bè cũng không biết. Gia đình em C. cũng không biết việc này cho đến khi em sinh con”.

9 tháng sống cùng gia đình, cha mẹ của cô bé cũng không hề phát hiện ra những thay đổi về thể chất, tâm lý của con khi có thai. Cũng ngoài sức tưởng tượng, khi cha của đứa trẻ trong sự việc cũng mới chỉ 17 tuổi. Truy xuất nguyên nhân của câu chuyện này, thì trách nhiệm thuộc về ai, nhà trường, gia đình, hay bản thân hai đứa trẻ?

Ngày 17/2 vừa qua, ông Đinh Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) xác nhận, cháu Vũ Thị H.T., 11 tuổi, đã sinh nở thành công bé trai nặng 3,2 kg. Lý do đưa ra là điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên mẹ cháu T. phải đi làm ăn xa ở Hà Nội. Trong khi đó, cha cháu T. sức khỏe yếu và thường xuyên uống rượu đến say xỉn nên cháu T. không được quan tâm, chăm sóc.

Khảo sát vào năm 2021 của UNICEF cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỷ lệ này ở nữ giới cao hơn, khoảng 0,9%. Thậm chí, có đến 8,9% phụ nữ từ 15 - 19 tuổi đã quan hệ tình dục với bạn tình hơn mình 10 tuổi. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong số khoảng 300.000 ca nạo phá thai được công bố ở Việt Nam, có đến 60 - 70% các ca nạo phá thai là phụ nữ ở độ tuổi 15 - 19 tuổi.

Mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mà điều này còn làm mất đi nhiều cơ hội học tập, lựa chọn của các em trong cuộc sống. Nhưng hầu hết chúng ta đều tiếp cận những vụ việc này khi “sự đã rồi”. Liệu rằng ta sẽ còn phải chứng kiến bao nhiêu cuộc đời dang dở nữa?

Bao giờ giáo dục giới tính không còn là vấn đề nhạy cảm?

Những cảm xúc yêu đương tuổi mới lớn là những điều hoàn toàn dễ hiểu, nhưng quan hệ tình dục sớm, lại là vấn đề khác. Ngày nay, trẻ em được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, tiếp xúc với văn hóa cởi mở, tiếp cận với nhiều thông tin hơn nên việc tò mò, tìm hiểu và dấn thân vào tình yêu, tình dục mạnh mẽ hơn những thế hệ trước. Tư tưởng trẻ biết sớm sẽ dậy thì sớm là sai lầm. Dậy thì là vấn đề của cơ thể còn biết sớm là hiểu biết trí não. Các con biết sớm sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho bản thân. 

Mạng Internet cũng được biết đến như là một công cụ thỏa mãn sự tò mò của nhiều em, song giữa một "biển" thông tin trên thế giới mạng, không ai chắc rằng các em sẽ không bị lạc lối. Thế nhưng, một nghịch lý là các phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ em hiện nay lại chưa kịp thời cập nhật với nhịp phát triển tâm sinh lý của trẻ em.

Chúng ta đã ở thời đại 4.0, khi thế giới phẳng, công nghệ mở ra kỷ nguyên mới, việc giáo dục giới tính cho con trẻ cần được nhìn nhận đúng đắn, kịp thời. (Ảnh minh họa)
Cần quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, theo văn hóa Á Đông, tâm lý của chúng ta vẫn thấy ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề tình dục. Lẽ ra, đầu mối quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính trẻ vị thành niên là cha mẹ và nhà trường, những người gần nhất của đứa trẻ. 

Thế nhưng, thực tế, phần lớn các bậc cha mẹ và thầy cô vẫn còn ngại ngùng với câu hỏi liên quan đến chủ đề này, vì cho rằng nó nhạy cảm và riêng tư. Điều này vô tình tạo một tâm lý tương tự cho các em, khiến các em vừa thiếu sự hiểu biết về kiến thức tình dục an toàn, lại vừa không dám chia sẻ và xin giúp đỡ khi có vấn đề xảy ra.

Chính những lý do trên sẽ kéo đến nhiều hệ lụy không mong muốn cho trẻ vị thành niên. Các em sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của bản thân.

Trong các trường học hiện nay, giáo dục giới tính không phải môn riêng biệt mà được lồng ghép, tích hợp với môn học khác như Khoa học và Sinh học. Theo Ts. Vũ Thu Hương - cựu giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, giáo dục giới tính trong trường học đang "thiếu, ít và muộn". Chương trình mới có đề cập sâu hơn nhưng nội dung mỏng và không đáp ứng được nhu cầu học sinh. Giáo dục giới tính ở tiểu học được lồng ghép trong môn Khoa học, trong khi bậc THCS, nội dung này ở cuối chương trình Sinh học lớp tám.

"Cách bố trí cho thấy những nội dung này không quan trọng. Nếu để ở cuối sách như vậy, bài học sẽ rơi vào tuần chuẩn bị thi học kỳ, hoặc tuần dự trữ sau thi học kỳ. Các con lớp 8 hầu hết đã dậy thì cũng không còn quan tâm nữa", TS. Hương phân tích, bày tỏ lo ngại, thay vì được xem là một môn riêng, có bài kiểm tra đánh giá, giáo dục giới tính lại được ghép vào môn khác.

Thực tế cũng cho thấy, cách học ở trường cần thay đổi theo hướng thiết thực hơn, cụ thể hơn, tránh tình trạng học chung để rồi thầy, cô thì chỉ nói những thứ "quanh đâu đấy", còn trò thì ngượng ngùng. Kết quả là cả cô và trò đều dạy - học như "cưỡi ngựa xem hoa", kiến thức chỉ được đề cập một cách chung chung, sơ sài và những vấn đề của các em thì vẫn tồn tại trong bóng tối. 

Để giải quyết vấn nạn này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của gia đình và nhà trường. Nhưng thay vì phó mặc cho nhà trường, gần trẻ hơn cả, sự chia sẻ trong gia đình là điều cần thiết và hữu ích hơn hết.

Cởi mở, không phán xét, không dò xét trẻ khi con chia sẻ, thảo luận các vấn đề trẻ quan tâm, nhất là các vấn đề nhạy cảm của lứa tuổi vị thành niên, là điều mà các cha mẹ nên thực hiện. Chị nói chuyện với em, mẹ nói chuyện với con gái, bố nói chuyện với con trai, ta cũng cần tận dụng mọi cơ hội để gợi mở các cuộc trò chuyện cùng con về vấn đề sinh sản, tình dục và hành vi của xâm hại tình dục.

Chúng ta đã ở thời đại 4.0, khi thế giới phẳng, công nghệ mở ra kỷ nguyên mới, việc giáo dục giới tính cho con trẻ cần được nhìn nhận đúng đắn, kịp thời chứ không thể dùng tư duy cấm đoán, bao bọc. Chúng ta hãy đồng hành cùng con tạo nên bản lĩnh, một tấm khiên vững chắc bảo vệ con khỏi những nguy cơ mất an toàn từ thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của con.