Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

“Không chỉ lo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo mà còn phải quan tâm đến sự ổn định và phát triển đồng bộ của đất nước”

Hoàng Quý - 21:43, 07/02/2023

Đó là phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc chiều 7/2, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Y Thông cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc UBDT. Cùng tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ: Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Bộ Tài Chính; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, thời gian qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước.

Tính đến thời điểm hiện nay, từ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa thành hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trên hầu hết các lĩnh vực đời sống của đồng bào DTTS; được thể hiện thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, 99 bộ luật, luật (296 Điều) liên quan đến công tác dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc

Cùng với đó, hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội (KT-XH) của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cơ chế chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng phát huy nội lực của đối tượng thụ hưởng.

Các chính sách từng bước được rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm tránh trùng lắp, thống nhất về cơ chế quản lý, tập trung nguồn lực; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện; ưu tiên tập trung đầu tư có hiệu quả, nhất là đối với địa bàn đặc biệt khó khăn. Việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương; nhu cầu và lợi ích của người dân và các đối tượng thụ hưởng đã tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội.

Hệ thống chính sách dân tộc tác động lên nhiều mặt đời sống của đồng bào DTTS và vùng DTTS và miền núi, đã tạo điều kiện cho KT-XH vùng từng bước phát triển toàn diện hơn cả về đời sống vật chất và tinh thần, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước; vùng đồng bào DTTS và miền núi không xuất hiện các “điểm nóng”, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khối Đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, từ chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đối với công tác dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBDT và các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; đã ban hành 32/33 văn bản để quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách phục vụ quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

Theo báo cáo của các địa phương thực hiện Chương trình, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình MTQG năm 2022 tại các địa phương có báo cáo đến thời điểm 30/1/2023 trên cả nước đạt trung bình 42,53%. Trong đó: Tỷ lệ giải ngân trung bình của 40/42 địa phương thực hiện Chương trình bằng nguồn hỗ trợ ngân sách Trung ương là: 40,01%; tỷ lệ giải ngân trung bình của 7 địa phương thực hiện Chương trình bằng nguồn ngân sách địa phương tự cân đối là 56,99%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2021 - 2022, để Chương trình công tác năm 2023 và những năm tiếp theo đạt được các mục tiêu đề ra, tập thể lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG; Tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức các hội thảo vùng để đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện Chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xác định các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian tới, đồng thời thảo luận về chủ trương, định hướng và khung Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn II: Từ năm 2026 - 2030.

Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của chính sách trong giai đoạn 2021 - 2030. Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường... giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Dân tộc trong việc phối hợp với các bộ, ngành trong công tác triển khai Chương trình MTQG. Các đại biểu cũng đã làm rõ thêm một số nội dung về: Ban hành cơ chế giao nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình cho cả giai đoạn 2023 - 2025; Đề án về Tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù; việc thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 10 “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh trật tự”…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta; Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG là trách nhiệm nặng nề và nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn này cần phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện Chương trình MTQG, chính vì vậy có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần phải: Lồng ghép các chương trình đang thực hiện bằng những con số định lượng cụ thể; đầu tư các chương trình bảo đảm đúng nguyên tắc, tránh dàn trải; khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trả lời đề xuất, kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG…

“Trong thời gian sắp tới, chúng ta cần toàn tâm, toàn lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này. Không chỉ lo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo mà còn phải quan tâm đến sự ổn định và phát triển đồng bộ của đất nước”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh.