Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Không thể phát triển công nghiệp bằng mọi giá

PV - 14:53, 16/03/2018

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai liên tiếp xảy ra sự cố về môi trường của các nhà máy luyện kim, sản xuất phân bón ảnh hưởng không nhỏ tới cây trồng, vật nuôi của người dân.

Câu hỏi đặt ra sau những sự cố, đó là trong quá trình phát triển kinh tế công nghiệp, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực sự quan tâm tới vấn đề môi trường hay chưa?

Ngày 16/3, ao cá của 8 hộ dân ở thôn Tân Lập, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng xảy ra hiện tượng cá chết bất thường. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn con cá chết trắng nổi khắp các mặt ao. Hiện tượng này kéo dài đến sáng 17/3.

Thiệt hại nhiều nhất là tại ao nhà ông Vũ Văn Bé với 3,5 tấn cá chết. Các ao còn lại bị thiệt hại từ vài chục kg đến vài tạ. Tổng số cá chết của 8 hộ dân trong thôn ước tính khoảng gần 7 tấn, chủ yếu là cá trắm, chép và rô phi lai.

Nguyên nhân chính, được xác định là nguồn nước dẫn vào các ao bị nhiễm độc nước thải của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 khu công nghiệp Tằng Lỏong, huyện Bảo Thắng.

Dứa chết, thối hàng loạt từ sự cố môi trường của Nhà máy luyện kim màu Lào Cai, thuộc Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh. Dứa chết, thối hàng loạt từ sự cố môi trường của Nhà máy luyện kim màu Lào Cai, thuộc Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh.

 

Cũng thời gian này, “vựa” dứa ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đang trong mùa thu hái quả cũng xảy ra tình trạng dứa chết, thối bất thường. Hàng chục tấn dứa quả thối hỏng, khiến cho người nông dân lao đao vì bao công sức, tiền của đổ vào bỗng chốc tiêu tan. Không chỉ có cây dứa mà hàng chục héc ta cây trồng khác như chè, cao su, mạ... của bà con cũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân do khí thải và nước thải của Nhà máy luyện kim màu Lào Cai, thuộc Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh gây ra.

Đây chỉ là hai, trong số rất nhiều sự cố về môi trường xảy ra tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh Lào Cai mà nguyên nhân, là do các nhà máy, công ty chưa chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường mà người chịu thiệt hại chính vẫn là người nông dân một nắng hai sương.

Vụ việc rồi cũng được các công ty, nhà máy thống kê, đền bù thiệt hại cho người dân nhưng ai có thể dám chắc những sự cố tương tự không còn xảy ra trong thời gian tới (?). Rồi còn sức khỏe người dân về lâu dài ra sao? Bởi cả hai vụ việc trên, khi các cơ quan ban, ngành vào cuộc cũng mới chỉ tiến hành điều tra nguyên nhân, thống kê thiệt hại về sản xuất của người dân chứ cũng chưa có động thái nào trong việc điều tra, nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của sự cố đối với sức khỏe người dân sống xung quang khu vực nhà máy.

Khi được hỏi về việc tại sao các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng liên tiếp xảy ra các sự cố (?), ông Nguyễn Thành Sinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Những năm đầu của thế kỷ 20, cùng với chính sách chung của Nhà nước, tỉnh Lào Cai đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh nhà.

Theo đó, hàng loạt các dự án được đầu tư xây dựng tại các khu công nghiệp với thiết bị, công nghệ của Trung Quốc (thiết bị, công nghệ sản xuất cũng như thiết bị công nghệ xử lý môi trường tương đối lạc hậu). Chất lượng lập và thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư tại đây còn thấp do chưa có kinh nghiệm, làm hạn chế việc phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho hệ thống xử lý môi trường do chi phí tương đối lớn...

“Chúng tôi đã tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt hàng tỷ đồng đối với các nhà máy không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Sau sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhiều doanh nghiệp đã tích cực cải tạo, đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu khí thải, nước thải, chất thải độc hại ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu nhập từ Trung Quốc, nên không kiểm soát được các công đoạn trong quá trình sản xuất, dẫn đến nhiều sự cố xảy ra, thụ động trong việc thu và xử lý khí thải, nước thải độc hại, kim loại nặng...”, ông Sinh cho biết thêm.

Lào Cai đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của vùng Tây Bắc, với sự phát triển về mọi mặt, trong đó lĩnh vực công nghiệp được đẩy mạnh. Theo đó các khu công nghiệp của tỉnh đang không ngường phát triển và mở rộng cũng là hướng đi đúng. Tuy nhiên, không thể phát triển công nghiệp bằng mọi giá khi mà môi trường luôn bị đe dọa, ảnh hưởng tới chính đời sống của người dân khu vực nhà máy nói riêng cũng như môi trường sống nói chung.

TRỌNG BẢO