Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Khu vực Bắc Bộ thiệt hại nặng nề do mưa lớn

Minh Nhật - 19:54, 24/07/2024

Hoàn lưu mưa bão số 2 đã khiến 7 người thiệt mạng và mất tích; 25.556ha lúa, 2.544ha hoa màu bị ngập úng tại các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Tại Hà Nội, mưa lũ cũng đã khiến nhiều khu vực nội thành và ngoại thành bị ngập sâu...

Đến 8 giờ sáng, TP Sơn La vẫn chìm trong biển nước do mưa lớn kéo dài
Đến 8 giờ sáng, TP. Sơn La vẫn chìm trong biển nước do mưa lớn kéo dài

Theo thông tin sơ bộ từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tim kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, do ảnh hưởng mưa lớn, đến 9h sáng 24/7 đã có 2 người thiệt mạng do sạt lở ở xã Chiềng Nơi, 4 người mất tích chưa xác định được. Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tim kiếm cứu nạn tỉnh đang phối hợp với chính quyền cơ sở tìm kiếm người mất tích và sẽ sớm có báo cáo.

Như vậy, thiệt hại do bão số 2 và hoàn lưu mưa từ ngày 23 đến trưa ngày 24/7 đã khiến 7 người thiệt mạng và mất tích. Về nông nghiệp: 25.556ha lúa, 2.544ha hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng (Hòa Bình 10ha; Hà Nội 220ha; Hải Dương 5.270ha; Hà Nam 6.507ha; Nam Định 12.340ha; Thái Bình 3.350ha; Thanh Hóa 220ha; Nghệ An 140,51ha). Về Chăn nuôi: 22 con gia súc, 849 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về Giao thông: hơn 300 điểm sạt lở với tổng khối lượng trên 10.000m3 đất, đá, bê tông.

Từ 7 giờ sáng 23/7 đến 7 giờ sáng 24/7, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-150 mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Nậm Kè (Điện Biên) 102mm; Tà Tổng (Lai Châu) 120mm; Chiềng Chăn (Sơn La) 123mm; Tiến Sơn (Hoà Bình) 189mm; Cao Răm (Hoà Bình) 159mm; Lương Nha (Phú Thọ) 151mm; Miếu Môn (Hà Nội) 179mm; Hoà Mạc (Hà Nam) 143mm; Hưng Hà (Thái Bình) 132mm. Riêng trạm Xuân Mai (Hà Nội) có mưa rất to 331mm.

Tại Hà Nội, mưa lũ cũng khiến nhiều khu vực nội thành và ngoại thành bị ngập sâu
Tại Hà Nội, mưa lũ cũng khiến nhiều khu vực nội thành và ngoại thành bị ngập sâu

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có văn bản số 5265/BNN-ĐĐ gửi các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình.

Theo đó, đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản; phương tiện vận tải thủy; bến đò ngang, đò dọc; công trình đang thi công; hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi… biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Nhằm phòng chống tình trạng ngập úng, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình tăng cường chỉ đạo, tổ chức, vận hành cống, trạm bơm tiêu úng, chống ngập; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du; công tác tuần tra canh gác, đảm bảo an toàn đê điều khi xả lũ thủy điện Hòa Bình.

Cùng với đó, tổ chức lực lượng canh gác, đặt biển cảnh báo tại các ngầm tràn, đường giao thông, khu vực ngập lụt, sạt lở; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh khi nước rút.