Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỉ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam: Công tác truyền thông góp phần tăng diện bao phủ chính sách

Vương Minh - 16:33, 27/06/2024

Cách đây 15 năm, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg, lấy ngày 01/7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam để tuyên truyền về Luật BHYT; khuyến khích, vận động Nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Nhờ chú trọng đa dạng hóa các hoạt động truyền thông của Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của chính sách, từ đó chủ động, tích cực tham gia.

(CHUYÊN ĐỀ) Kỉ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam: Công tác truyền thông góp phần tăng diện bao phủ chính sách
Chính sách BHYT góp phần giúp đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ y tế, nâng cao sức khỏe. (Ảnh: Trọng Bảo)

Tăng nhanh và phát triển bền vững

BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, vượt qua những khó khăn về kinh tế, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi không may đau ốm đau, bệnh tật. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho người bệnh; qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có khoảng 18,3 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,16 triệu người (tương đương 6,77%) so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, Ngành BHXH đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT, tăng 1,22 triệu người (tương đương 1,37%) so với cùng kỳ năm 2023.

Chính sách BHYT chính thức được khai sinh năm 1992, theo Nghị định số 299-HĐBT, ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc ban hành điều lệ BHYT. Sau 2 năm thực hiện Nghị định, hệ thống tổ chức BHYT từ Trung ương đến địa phương đã hình thành với sự quản lý của BHYT Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế. 

Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Kể từ đây 2 chính sách an sinh xã hội quan trọng là BHXH, BHYT thống nhất thực hiện từ Trung ương xuống địa phương, theo mô hình một quỹ quốc gia.

Đặc biệt, ngày 14/11/2008, Quốc hội thông qua Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Luật BHYT ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, hướng tới thực hiện BHYT toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Như vậy, cơ sở pháp lý của chính sách BHYT đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2008, công tác phát triển BHYT còn nhiều khó khăn, nhất là phát triển BHYT hộ gia đình. Lượt người KCB bằng BHYT cũng còn khá khiêm tốn.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2008, cả nước mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số. Tại thời điểm này, cả nước cũng chỉ mới có 3,76 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình; KCB BHYT chỉ có khoảng 88,6 triệu lượt người, với tổng chi 15.396 tỷ đồng.

Để tăng cường tuyên truyền về Luật BHYT; khuyến khích, vận động Nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg, lấy ngày 01/7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Với nỗ lực của Cơ quan BHXH trong công tác truyền thông, vận động, tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng nhanh; số lượt KCB bằng BHYT cũng tăng mạnh.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2023, cả nước đã có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008. Đặc biệt, kết quả phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình tăng trưởng rất ấn tượng: từ 3,76 triệu người tham gia tăng lên thành 24,89 triệu người, gấp 6,6 lần trước khi có Ngày BHYT Việt Nam.

(CHUYÊN ĐỀ) Kỉ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam: Công tác truyền thông góp phần tăng diện bao phủ chính sách 1
Chính sách BHYT góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. (Ảnh minh họa)

KCB BHYT cũng đã tăng lên 174 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT vào cuối năm 2023, với tổng chi KCB BHYT là khoảng 121.799 tỷ đồng. Tính bình quân trong giai đoạn 2009 - 2023, mỗi năm có trên 141 triệu lượt người KCB BHYT; tổng chi KCB bình quân 66,2 nghìn tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết, sau 15 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg, lấy ngày 01/7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam, diện bao phủ BHYT đã tăng nhanh và phát triển bền vững. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân, đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.

Đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, những năm qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã bám sát thực tiễn, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối với các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời đưa ra những giải pháp đồng bộ, đúng hướng, quyết liệt để đưa chính sách BHYT vào cuộc sống. Trong đó, toàn Ngành đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, coi đây là “mũi chủ công” để tăng diện bao phủ BHYT một cách bền vững.

“Những kết quả trong phát triển BHYT hiện nay có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông của Ngành, ngày càng sâu rộng, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của chính sách BHYT từ đó chủ động, tích cực tham gia”, ông Mạnh khẳng định.

Từ chia sẻ của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Thế Mạnh, có thể thấy rõ, năm 2009 là một năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT ở nước ta. Trong năm này, Luật BHYT có hiệu lực thi hành; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới và sự ra đời Ngày BHYT Việt Nam.

Với việc thực hiện nhiều giải pháp thông tin, truyền thông về chính sách BHYT đã tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương, lan tỏa đến người dân.
Ông Nguyễn Thế Mạnh
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Từ đó, sau 15 năm, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Để lan tỏa ý nghĩa thiết thực và đầy nhân văn của chính sách BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình, Cơ quan BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách. Nhận thức tầm quan trọng công tác truyền thông, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 96-NQ/BCS ngày 24/8/2017 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới.

Nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong truyền thông chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH Việt Nam đã ký kết các chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể; đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương triển khai truyền thông chế độ, chính sách BHYT một cách bài bản, đổi mới cả về nội dung, hình thức ở tất cả các loại hình báo nói, báo hình, báo in và báo điện tử. 

Nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông ngày càng được đổi mới đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù từng nhóm chủ đề, đặc điểm văn hóa vùng miền, đảm bảo truyền tải thông tin dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trước đây, công tác tuyên truyền chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn; phát hành các ấn phẩm truyền thông (Pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi và đáp về BHYT, tranh cổ động, đĩa CD...). 

Những năm gần đây, BHXH Việt Nam đã bổ sung thêm nhiều hình thức truyền thông mới như: tư vấn, đối thoại trực tiếp với người dân; tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động, ca khúc về BHXH, BHYT, truyền thông trực quan sinh động và theo chủ đề, các mô hình truyền thông, vận động phát triển người tham gia BHYT theo đặc thù vùng miền; đẩy mạnh triển khai các hình thức truyền thông mới như infographic, motion graphic, video clip, viral, audio, xây dựng, vận hành các kênh truyền thông mạng xã hội của BHXH Việt Nam, phát huy hiệu quả tư vấn, giải đáp thông tin cho Nhân dân qua hệ thống chăm sóc khách hàng (Call Center), ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên các kênh hotline và Cổng thông tin điện tử của Ngành.

(CHUYÊN ĐỀ) Kỉ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam: Công tác truyền thông góp phần tăng diện bao phủ chính sách 3
Đối với các vùng DTTS và miền núi, ngành BHXH Việt Nam đã linh hoạt, đa dạng nhiều nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHYT phù hợp với đặc thù vùng miền, đặc điểm và tập quán sinh hoạt của đồng bào. (Trong ảnh: Cán bộ xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai tuyên truyền chính sách cho người dân)

Riêng đối với vùng DTTS và miền núi, ngành BHXH Việt Nam đã linh hoạt, đa dạng nhiều nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHYT phù hợp với đặc thù vùng miền, đặc điểm và tập quán sinh hoạt của đồng bào. 

Trong giai đoạn 2009 - 2024, đã tổ chức khoảng 5.500 cuộc truyền thông nhóm nhỏ đến từng thôn bản, hộ gia đình vùng DTTS với trên 200.000 lượt đồng bào tham dự; phát huy vai trò của hơn 12.100 già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong việc truyền thông, vận động đồng bào tham gia BHYT; mời người biết tiếng dân tộc phiên dịch tại các hội nghị truyền thông chính sách BHYT cho đồng bào với gần 4.700 người.

Bên cạnh đó, ngành BHXH hiện có khoảng 650 cán bộ biết tiếng dân tộc để tham gia tuyên truyền chính sách BHYT; có 10 BHXH tỉnh đã biên tập, sản xuất khoảng 55 sản phẩm truyền thông, dịch ra các thứ tiếng dân tộc (như: Ê đê, Mông, Thái, Dao, Ba na, Tày, Khmer, Giẻ Triêng, J’rai, Mnông,…) để làm tài liệu tuyên truyền chính sách BHYT tại vùng đồng bào.

Sau 15 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc truyền tải các thông tin mới, kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, phát triển bền vững chính sách BHYT, góp phần phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của đất nước, tăng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Ngày 17/6/2024, Bộ Y tế có công văn số 3341/BYT-BH về việc tăng cường truyền thông và tổ chức các hoạt động nhân dịp 15 năm Ngày BHYT Việt Nam (01/7/2009 – 01/7/2024). Chủ đề được chọn năm nay là: “Sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”. Nội dung các thông điệp tập trung chủ yếu về mục đích, ý nghĩa của chính sách; nâng cao chất lượng KCB BHYT tại y tế cơ sở; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả Quỹ BHYT; mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; thực hiện nghiêm pháp luật về BHYT…