Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, không để tội phạm lợi dụng

Vân Khánh - 08:25, 28/11/2021

Hiện nay, các hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất tại Việt Nam đang diễn ra phức tạp. Vấn đề quản lý tính 2 mặt của tiền chất, đang đặt ra nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý chức năng nói chung và ngành Hải quan nói riêng. Xung quanh vấn đề này, báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thành, Phó trưởng Phòng Kiểm soát ma túy thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).

Ông Nguyễn Quang Thành - Phó trưởng Phòng Kiểm soát ma túy thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).
Ông Nguyễn Quang Thành - Phó trưởng Phòng Kiểm soát ma túy thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).

 Ông có thể giải thích rõ hơn về tiền chất và danh mục các tiền chất ma túy được Chính phủ quy định như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Thành: Theo quy định tại Khoản 5, Điều 2, Luật Phòng, chóng ma túy năm 2021 (hiệu lực từ ngày 1/1/2022), tiền chất là hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành.

Về danh mục, các tiền chất được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Nghị định số 60/2020NĐ-CP ngày 29/5/2020. Trong đó, với Nghị định số 60/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, Chính phủ bổ sung các chất vào Danh mục IV "Các tiền chất" (IV A: Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy).

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các tiền chất bổ sung vào mục IV nêu trên, thực hiện các quy định về quản lý tiền chất theo Nghị định 60/2020/NĐ -CP và các văn bản có liên quan kể từ ngày 01/8/2020.

Nhu cầu sử dụng tiền chất cho việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thành: Nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh của nước ta rất lớn. Hiện nay, trên cả nước có hơn 900 doanh nghiệp làm thủ tục xuất, nhập khẩu tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp và y tế, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp hoặc khu chế xuất.

Các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất y tế chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng, chủ yếu là thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất như: Codeine phosphate, Diazepam Hameln, Codeine Base, Ephedrine, Epherine... 

Đối với tiền chất công nghiệp, ngoài một số ít tiền chất Việt Nam tự sản xuất được như H2SO4, HCl, Toluene, Acetone, chủ yếu các loại tiền chất đều được nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các khu chế xuất và khu công nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu tiền chất thường là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có kinh nghiệm nhiều năm tham gia kinh doanh tiền chất, đã được các cơ quan chức năng thẩm định thường xuyên và có đầy đủ tư cách pháp nhân hoạt động hợp pháp.

Theo thống kê, số lượng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần xuất, nhập khẩu hợp pháp trong các năm vẫn tiếp tục tăng, trung bình đạt mức 10%/năm. Từ năm 2011 đến tháng 5/2021, số lượng xuất, nhập khẩu tiền chất, hỗn hợp chứa tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp khoảng 4.123.780 tấn; thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc gây nghiện khoảng 124 kg; thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc hướng thần khoảng 49kg; tiền chất trong lĩnh vực y tế khoảng 7,7 tấn.

Lực lượng Hải quan tăng cường kiểm soát tiền chất nhập khẩu, không để tội phạm lợi dụng (Ảnh minh họa)
Lực lượng Hải quan tăng cường kiểm soát tiền chất nhập khẩu, không để tội phạm lợi dụng (Ảnh minh họa)

Ông có thể nói rõ tính hai mặt của hoạt động hợp pháp liên quan các loại tiền chất ma túy hiện nay?

Ông Nguyễn Quang Thành: Bên cạnh việc được sử dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh hợp pháp, tiền chất còn được các đối tượng tội phạm lợi dụng sử dụng tiền chất vào sản xuất bất hợp pháp các chất ma túy, đặc biệt là các loại tiền chất có nguy cơ lạm dụng cao vào việc sản xuất ma túy tổng hợp. Lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, các đối tượng đã thu gom tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy.

Thông qua các kế hoạch chỉ đạo về kiểm soát ma túy, tiền chất, kế hoạch kiểm tra tiền chất dùng trong công nghiệp, tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần dùng trong y tế, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y có chứa ma túy, tiền chất, từ năm 2011 đến năm 2021, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra, phát hiện 60 vụ vi phạm hành chính;

 Đâu là những khó khăn chính trong việc quản lý hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất ma túy hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thành: Quản lý chặt chẽ tiền chất, không để tội phạm có cơ hội lợi dụng điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp đang là đòi hỏi cấp bách đối với cơ quan Hải quan và các bộ, ngành, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện nay, công tác kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Thực tế, các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác; các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó rất khó kiểm soát đến khâu cuối cùng. Thực trạng trên càng khó kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời khi sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa được triển khai nhịp nhàng.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang thực hiện tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện các loại ma túy và tiền chất mới với thủ đoạn gian lận của tội phạm ngày càng tinh vi…

Với vai trò “gác cửa nền kinh tế”, ngành Hải quan sẽ chú trọng những giải pháp gì để kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, không để tội phạm lợi dụng, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thành: Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước liên quan, thực hiện việc kiểm soát nguồn tiền chất sau khi nhập khẩu, sử dụng trên thị trường hoặc xuất khẩu đi các nước khác. Từ đó, đã góp phần ngăn chặn được việc sử dụng bất hợp pháp tiền chất, vào sản xuất ma túy tại Việt Nam.

Hiện, cơ quan Hải quan đã góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Dự thảo đã nêu bật vai trò trách nhiệm của cơ quan Hải quan và các bộ, ngành liên quan, nhằm tạo cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định pháp luật đối với chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được chặt chẽ, hiệu quả hơn hiện nay.

Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh - Cục Hải quan Quảng Ninh, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu - ẢNh: TL
Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh, Cục Hải quan Quảng Ninh, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu (Ảnh TL)

Cơ quan Hải quan cũng đề xuất, Bộ Công an chủ trì tham mưu Chính phủ hoàn thiện xây dựng văn bản quy phạm pháp lý, đảm bảo thiết lập cơ chế kết nối mạng cơ sở dữ liệu tội phạm ma túy giữa lực lượng Hải quan kiểm soát ma túy, với lực lượng Công an để nắm tình hình, thu thập thông tin phục vụ yêu cầu công tác kiểm soát ma túy; nối mạng cơ sở dữ liệu quản lý tiền chất giữa Hải quan, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế để theo dõi, quản lý tình hình xuất, nhập khẩu tiền chất.

Ngoài ra, để kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần quản lý chặt từ khâu cấp phép tiền chất đến hậu kiểm việc sử dụng tiền chất, không để thất thoát vào các mục đích bất hợp pháp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở khâu sản xuất, tiêu thụ đúng mục đích, đối tượng; cấp phép đúng năng lực sản xuất của doanh nghiệp, định mức tiêu hao nguyên liệu. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên cập nhật các loại tiền chất mới vào danh mục quản lý của Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.