Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Kiểm soát súng tự chế: Tuyên truyền, vận động là giải pháp hiệu quả

PV - 14:41, 20/03/2019

Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh miền núi, biên giới lại xuất hiện tình trạng nhiều người dân tộc thiểu số (DTTS) sử dụng súng tự chế để đi săn bắn thú rừng. Bên cạnh đó, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố cũng đã xảy ra nhiều vụ cố ý giết người, gây thương tích có liên quan đến súng tự chế. Tình trạng người dân chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng súng tự chế đang diễn biến phức tạp, làm mất an ninh trật tự, gây dư luận xấu trong xã hội, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn.

Súng tự chế có nhiều loại và dễ sử dụng. Ngoài một số loại súng tự chế truyền thống của bà con các DTTS thường dùng trước đây như súng kíp, súng bắn đạn bi… thì hiện nay trên địa bàn các tỉnh, thành biên giới, vùng sâu, vùng xa, còn xuất hiện nhiều loại súng tự chế mới khác như súng bút, súng bắn đạn hoa cải, súng hơi cồn. Các loại súng này công nghệ chế tạo rất đơn giản nhưng độ chính xác và tỷ lệ sát thương lại rất cao, gây nguy hiểm đến tính mạng. Cũng chính do vật liệu thì rẻ tiền, dễ kiếm nên các đối tượng đua nhau chế tạo súng tự chế dùng để săn bắn chim. Đáng lo ngại là phần lớn người sử dụng loại súng này đều ở độ tuổi thanh, thiếu niên, do đó hậu quả để lại là khôn lường.

Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền, nhiều người dân ở vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) đã tự nguyện giao nộp súng tự chế cho bộ đội biên phòng. Ảnh TL Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền, nhiều người dân ở vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) đã tự nguyện giao nộp súng tự chế cho bộ đội biên phòng. Ảnh TL

Giá thành rẻ, dễ thực hiện, nguyên vật liệu có thể mua trực tuyến trên mạng…, vì thế lượng súng tự chế cứ âm thầm tăng, trong khi công tác kiểm tra, kiểm soát gặp khá nhiều khó khăn vì hầu hết bà con các DTTS sử dụng súng tự chế đều được cất giấu rất kỹ, không hợp tác với cơ quan chức năng. Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành, những loại súng tự chế trên không nằm trong mục vũ khí quân dụng. Hành vi tàng trữ loại vũ khí này không thể xử lý hình sự mà chỉ xử phạt hành chính-điều đó đồng nghĩa với việc không thể khởi tố vụ án hình sự, không thể bắt tạm giam cũng như áp dụng hình phạt tù đối với đối tượng tàng trữ loại vũ khí nguy hiểm này nếu như không thu thập thêm được những chứng cứ phạm tội liên quan...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết, đồng bào DTTS sinh sống ở các xã vùng cao vẫn còn giữ thói quen lưu giữ, sử dụng súng tự chế để săn bắt thú rừng. Để thực hiện tốt công tác quản lý thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Cục phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc cử cán bộ đến từng thôn, bản, gặp gỡ từng hộ vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Bên cạnh đó, lực lượng trinh sát phòng chống ma túy và tội phạm ở các Đồn Biên phòng đã tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình cất giấu, sử dụng vũ khí trái phép, trong đó có súng hơi cồn tự chế.

Công tác tuyên truyền vận động được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để người dân hiểu rõ tác hại cũng như sự nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bởi nhiều người sử dụng súng tự chế xong thì cất giấu ở chòi canh rẫy, trong rừng, nên việc kiểm tra, xử lý khó triệt để nếu người dân không tự giác chấp hành. Đối với những đối tượng không chấp hành và sử dụng súng gây hậu quả đến sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như đến an ninh trật tự thì cần phải xử lý nghiêm. Trong đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Có như vậy, tình trạng sử dụng súng tự chế mới giảm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn biên giới.

HOÀNG ANH

Tin cùng chuyên mục
Đắk Nông: Khởi tố đối tượng kêu gọi từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng

Đắk Nông: Khởi tố đối tượng kêu gọi từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng

Ngày 14/5, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Vy Bảo Châu (SN 1998), trú xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.