Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kiên Giang dự kiến hơn 450 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới năm 2021

PV - 08:00, 20/07/2021

Các huyện, thành phố của tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai nguồn vốn đã được phân bổ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường, trạm y tế.

Một tuyến đường giao thông nông thôn. (Nguồn: TTXVN)
Một tuyến đường giao thông nông thôn. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2021, Kiên Giang dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2021 hơn 456 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương phân bổ, ngân sách tỉnh và huy động những nguồn vốn hợp pháp khác.

Các huyện, thành phố tập trung triển khai nguồn vốn đã được phân bổ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng năm 2021, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình về giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, điện, trường học, trạm y tế, môi trường.

Từ nguồn vốn sự nghiệp, các địa phương đầu tư cho các mô hình kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phù hợp với địa phương mang lại hiệu quả, có tính nhân rộng gắn với với chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và phát triển nghề truyền thống, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới năm 2021, Kiên Giang đầu tư xây dựng 440km đường giao thông nông thôn; trong đó, xây dựng mới 240km, nâng cấp và mở rộng 200km với kinh phí khoảng 440 tỷ đồng, nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh cứng hóa khoảng 6.370km, đạt hơn 66%.

Ngoài ra, tỉnh đầu tư 13 công trình điện nông thôn trên địa bàn gồm: Cải tạo đường dây trung thế 22,8km và đường dây hạ thế 200km. Tổng dung lượng trạm biến áp cải tạo 19.440 kVA với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng, phục vụ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Kiên Giang cũng đang triển khai nhiều chương trình, dự án vệ sinh môi trường nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sống cho người dân.

Tỉnh hiện có 54 trạm cấp nước và 2 hồ chứa nước là hồ Dương Đông tại huyện Phú Quốc, hồ An Sơn tại huyện Kiên Hải cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 71.538 hộ dân, đạt tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh hơn 98%; trong đó, 61% nước sạch.

Cùng với đó, Kiên Giang chú trọng phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới. Các ngành chức năng thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển Hợp tác xã, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đến nay, tỉnh có 433 Hợp tác xã nông nghiệp với các hình thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với hơn 32.250 thành viên tham gia, chiếm khoảng 54.100 ha tổng diện tích sản xuất. 6 tháng đầu năm, tỉnh có 30/48 sản phẩm đăng ký ban đầu đạt chuẩn 3 - 5 sao trong Chương trình OCOP.

6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Kiên Giang đã công nhận 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số đến nay có 90/116 xã nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu phấn đấu nửa cuối năm sẽ công nhận thêm ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Kiên Giang cũng đang trình Trung ương thẩm định, công nhận 2 huyện Vĩnh Thuận và Kiên Lương đạt chuẩn nông thôn mới, TP. Hà Tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện tỉnh đã có 3 huyện nông thôn mới là Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao.

Thời gian tới, Kiên Giang phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 99%, nước sạch đạt 62%, giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% so với năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90%...

Tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các xã, huyện đã đạt chuẩn và triển khai thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.