Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Pác Nặm - Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới vẫn không có xã nào cán đích: Nhìn đâu cũng thấy khó (Bài 1)

Minh Thu - 19:15, 18/07/2021

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (NTM), đến cuối năm 2020, nhiều địa phương trong cả nước đã bắt đầu lộ trình xây dựng NTM nâng cao, nhưng huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) vẫn đang loay hoay để phấn đấu về đích NTM, dù chỉ là ở một xã.

Cán bộ xã Bộc Bố tuyên truyền cho người dân về NTM
Cán bộ xã Bộc Bố tuyên truyền cho người dân về NTM

Gian nan giảm nghèo

Là 1 trong 60 huyện nghèo nhất cả nước, năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (2010), tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Pác Nặm là trên 50%. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình, dù đã đạt được một số kết quả, nhưng hiện toàn huyện Pác Nặm chưa có xã nào về đích NTM.

Theo báo cáo của Cơ quan Thường trực Xây dựng NTM huyện Pác Nặm, đến cuối năm 2020, toàn huyện mới chỉ có xã Bộc Bố đạt 17/19 tiêu chí; xã Giáo Hiệu đạt 15/19 tiêu chí; bình quân cả huyện chỉ đạt 9,9 tiêu chí.

Ghi nhận tại xóm Nà Hoi, một trong những xóm khó khăn bậc nhất của xã Bộc Bố cho thấy, kể từ khi đăng ký  triển khai xây dựng NTM đến cuối năm 2020, từ nguồn vốn xây dựng NTM, Nà Hoi mới hoàn thiện được con đường bê tông dài khoảng 6km (số tiền này phải đợi sau 4 lần đầu tư của 4 năm triển khai)

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng xóm Giàng Văn Súa cho biết, 8 năm là Trưởng xóm, anh mất gần 7 năm cho việc xin dự án đầu tư con đường này. Tuy nhiên, địa hình hiểm trở, nguồn vốn đầu tư ít nên phải qua 4 lần đầu tư, con đường mới được hoàn thành một phần từ xã vào đến Nhà văn hóa xóm.

Đường là vậy, điện, nước hiện đang là niềm ao ước của người dân Nà Hoi. Bởi từ bao năm nay, xóm chưa có điện. Sóng điện thoại cũng chập chờn, nơi có nơi không. Chính bởi không đường, không điện, nên đời sống người dân Nà Hoi đang gặp rất nhiều khó khăn. Sản phẩm chủ yếu là tự cấp tự túc, xóm có 21 hộ thì có đến 14 hộ nghèo.

Những năm qua, các hộ ở Nà Hoi cũng được hỗ trợ sản xuất, bằng nguồn vốn từ Chương trình NTM, Nghị quyết 30a, người dân Nà Hoi cũng đã được vay vốn để mua trâu, bò vỗ béo. Nhưng hiện, chợ trâu bò trên địa bàn huyện đã dừng hoạt động, trâu bò vỗ béo không bán được, trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả hằng tháng.

Anh Sùng A Páo, dân xóm Nà Hoi thở dài: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, trâu bò vỗ béo không bán được, Hiện gia đình tôi đang phải bán bớt lợn, gà để trả nợ ngân hàng. Cứ tình hình này, chưa biết bao giờ mới thoát được nghèo”.

Đây cũng là thực tế ở nhiều xóm khác trên địa bàn. Vì vậy, đến thời điểm này, xã Bộc Bố vẫn không thể thành công trong tiêu chí giảm nghèo.

Tương tự, ghi nhận tại xã Giáo Hiệu, một trong hai xã được huyện Pác Nặm “chọn mặt gửi vàng” để về đích NTM trong năm 2021 nhưng thực tế, tình hình cũng không mấy khả quan. Dù đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhưng hiện tại, xã Giáo Hiệu hiện mới chỉ đạt được 15/19 tiêu chí NTM. Theo lãnh đạo xã, khó khăn nhất là tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.

Khó huy động nguồn lực

Trong nhiều nguyên nhân khó để các xã ở huyện Pác Nặm đạt được các tiêu chí xây dựng NTM, thì một nguyên nhân quan trọng nhất đó là, địa hình nơi đây rất phức tạp, dẫn tới việc kinh phí đầu tư cho các công trình hạ tầng là rất lớn. Đơn cử, một con đường dài khoảng 1km, nếu ở đồng bằng, chỉ cần đầu tư từ 800 triệu đến một tỷ đồng, nhưng đường ở miền núi quanh co, chỉ tính riêng tiền vận chuyển vật tư lên đến các xóm đã hết vài ba trăm triệu đồng.

Đời sống KT-XH khó khăn là những rào cản khiến Pác Nặm chậm về đích NTM.
Đời sống của nhiều người dân Pác Nặm hiện còn rất khó khăn.

Giao thông không thuận lợi, kéo theo việc phát triển kinh tế gặp khó khăn, vì vậy tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trên địa bàn khó đạt. Trở lại với câu chuyện xây dựng NTM ở xã Bộc Bố, dù đến cuối năm 2020, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí NTM (trong đó có tiêu chí thu nhập), tuy nhiên, qua lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân địa phương về kết quả xây dựng NTM, tỷ lệ hài lòng của người dân chưa đạt do tiêu chí về hộ nghèo chưa đảm bảo bền vững (vẫn còn gần 12% số hộ nghèo).

Bởi dù xã đạt tiêu chí về thu nhập, nhưng lại có sự chênh lệch lớn giữa các thôn. Ví dụ như thôn Nà Coóc - là một thôn ở trung tâm xã Bộc Bố có thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu/năm, nhưng có đến 5 thôn khác ở xã bình quân thu nhập đầu người chỉ đạt dưới 10 triệu đồng/năm...

Hay như tại xã Giáo Hiệu, hiện xã mới chỉ đạt được 15/19 tiêu chí NTM. Khó nhất trong số các tiêu chí còn lại chính là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Bởi hai tiêu chí này có liên quan mật thiết với nhau. Thu nhập thấp thì khó giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Chị Tô Thị Niên, một người dân xóm Nà Khiên, xã Giáo Hiệu cho biết: “Năm 2018, gia đình tôi được hỗ trợ hơn 2 triệu đồng từ vốn xây dựng NTM để đầu tư trồng cây gừng. Mặc dù được hỗ trợ giống và kỹ thuật, nhưng sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Số gừng thu hoạch được, gia đình tôi phải tự tiêu thụ, nên thu nhập từ cây gừng là không đảm bảo để thoát nghèo…”. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ dân ở xã Giáo Hiệu. Vậy nên, hiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Giáo Hiệu vẫn còn trên 15%...

Trao đổi về quá trình xây dựng NTM ở địa phương, ông Nguyễn Đình Điệp, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm thẳng thắn nhìn nhận: Những năm qua, việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM tại địa phương còn hạn hẹp, chủ yếu trông chờ nguồn lực cấp trên. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư nhỏ lẻ, nhu cầu quá lớn, kinh phí của huyện cũng hạn chế nên việc bố trí vốn cho chương trình không được bao nhiêu. 

Về phía người dân, do điều kiện khó khăn nên việc chung sức xây dựng NTM chủ yếu là đóng góp công lao động, hiến đất... Điều này khiến một số kết quả, chỉ tiêu trọng yếu, huyện chưa đạt được. Cho đến nay, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ở Pác Nặm vẫn chưa có xã nào về đích NTM.


Tin cùng chuyên mục
Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 đặt mục tiêu đến năm 2045, các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, cơ bản không còn hộ nghèo... Để hướng tới mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng.