Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Kiến thiết đời sống người dân sau thiên tai

Sỹ Hào - 21:21, 01/10/2024

Tháng 9/2024, bão số 3 và hoàn lưu sau bão ở các tỉnh phía Bắc, bão số 4 đổ vào các tỉnh miền Trung đã gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Người dân ở các địa bàn vừa trải qua bão lũ, nhất là đồng bào DTTS đang cần được hỗ trợ kịp thời, với chính sách đủ mạnh để tái thiết, kiến tạo lại đời sống cả trước mắt cũng như lâu dài.

Mưa lũ sau bão số 3 đã phá hủy hạ tầng giao thông thiết yếu ở các địa phương miền núi. (Trong ảnh: Đường giao thông qua thôn Pác Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang bị mưa lũ làm đứt gãy với chiều dài khoảng 5m)
Mưa lũ sau bão số 3 đã phá hủy hạ tầng giao thông thiết yếu ở các địa phương miền núi. (Trong ảnh: Đường giao thông qua thôn Pác Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang bị mưa lũ làm đứt gãy với chiều dài khoảng 5m)

Chung tay khôi phục sản xuất

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, hai cơn bão số 3, số 4 và hoàn lưu sau bão tại các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Trung đã gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân. Riêng với cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão ở các tỉnh phía Bắc khiến tăng trưởng GDP năm 2024 của cả nước có thể bị kéo lùi khoảng 0,15%.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, thiệt hại kinh tế do bão số 3 là hơn 2 tỷ USD (tương đương gần 50.000 tỷ đồng). Nhưng đó chỉ mới là ước tính sơ bộ tính đến ngày 17/9; khi thống kê đầy đủ thì thiệt hại dự kiến lên đến khoảng 2,5 tỷ USD, gấp 5 lần so với tổng thiệt hại do thiên tai năm 2023 và cao hơn thiệt hại do thiên tai ba năm gần đây nhất cộng lại.

Sau bão số 3 và hoàn lưu bão, khoảng 170 nghìn ha rừng bị gãy đổ; với rừng trồng sản xuất cần 5 - 7 năm mới có thể khai thác trở lại. (Trong ảnh: Những cánh rừng keo đổ gãy của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh)
Sau bão số 3 và hoàn lưu bão, khoảng 170 nghìn ha rừng bị gãy đổ; với rừng trồng sản xuất cần 5 - 7 năm mới có thể khai thác trở lại. (Trong ảnh: Những cánh rừng keo đổ gãy của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh)

Thiên tai ngày càng khó đoán định hơn khi bão lũ không chỉ tàn phá các tỉnh ven biển mà còn gây tổn thất nặng nề cho các địa phương nằm sâu trong đất liền, khu vực miền núi. Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đời sống của đại bộ phận người dân, chủ yếu là đồng bào DTTS còn nhiều vất vả, khả năng chống chịu trước thiên tai quá mong manh.

Như với Lào Cai, một tỉnh đang phát triển, cách biển Quảng Ninh (tâm bão số 3) khoảng 600km, nhưng thiệt hại do bão lũ gây ra là vô cùng lớn. Theo ước tính đến ngày 22/9, thiệt hại về kinh tế do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra cho Lào Cai là hơn 6.000 tỷ đồng, hơn 1/3 tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh (17.172 tỷ đồng).

Thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra có thể khiến tốc độ tăng trưởng của tỉnh Lào Cai có thể giảm trên 0,5% trong năm 2024. Nhưng thiệt hại lớn nhất của Lào Cai là về người. Tính đến ngày 22/9, toàn tỉnh có 131 người chết, 20 người mất tích, 50 người bị thương do bão số 3 và hoàn lưu bão.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang hướng dẫn người dân dựng lại lúa bị đổ do bão lũ. Ảnh: TTXVN
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang hướng dẫn người dân dựng lại lúa bị đổ do bão lũ. Ảnh: TTXVN

Kiến thiết đời sống cho Nhân dân sau thiên tai đang là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội. Với những hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đang vay tín dụng ưu đãi, sau cơn bão số 3, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ; đồng thời xây dựng phương án bổ sung khoảng 4.900 tỷ đồng để hỗ trợ vay đối tượng chính sách, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 10/2024.

Nỗi đau mất người thân do thiên tai sẽ còn dai dẳng, nhưng điều cần thiết đối với đồng bào vừa trải qua đợt bão lũ lịch sử lúc này là sự hỗ trợ kịp thời để gượng dậy, tái thiết đời sống. Công cuộc tái thiết đời sống cho người dân sau thiên tai ở các địa phương vừa trải qua đợt bão lũ lịch sử trước hết phải được bắt đầu từ việc tập trung giải quyết những nhu cầu cấp bách (nhà ở; điện, nước sinh hoạt; lương thực, thực phẩm; y tế, giáo dục...) của người dân; đồng thời cần có biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ đồng bào khôi phục sản xuất khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là Tết Nguyên đán cổ truyền.

Với các địa phương miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản là lĩnh vực kinh tế trụ cột. Sau bão số 3 và hoàn lưu bão, trụ cột này ở các địa phương đã bị tàn phá nặng nề; với 312.000ha cây trồng bị thiệt hại (200.000ha lúa; 51.000ha rau màu; 61.000ha cây ăn quả, cây công nghiệp; 23.595ha nuôi trồng thủy sản; 22.808 con gia súc và hơn 3 triệu con gia cầm bị chết;...).

Để khôi phục sản xuất, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, các địa phương cần khoảng 15.000 tấn giống lúa; khoảng 1.080 tấn giống ngô; 112,5 tấn rau các loại;... Tuy nhiên, kho dự trữ quốc gia hiện chỉ còn 4.100 tấn giống lúa; 275,4 tấn giống ngô; khoảng 0,25 tấn rau các loại.

Theo ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguồn dự trữ quốc gia có hạn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Ngay lúc này, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa bão. Đặc biệt, các doanh nghiệp không nâng giá bán giống cây trồng nhằm góp phần giúp bà con nông dân vùng mưa bão giảm bớt khó khăn, khắc phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.

Mưa lũ đã làm khoảng 234,7 nghìn căn nhà của người dân các tỉnh phía Bắc bị sụp đổ, cuốn trôi, hư hỏng. (Trong ảnh: 5 nhà ngôi của người dân ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bị sạt, trôi xuống sông Chảy rạng sáng ngày 14/9/2024)
Mưa lũ đã làm khoảng 234,7 nghìn căn nhà của người dân các tỉnh phía Bắc bị sụp đổ, cuốn trôi, hư hỏng. (Trong ảnh: 5 nhà ngôi của người dân ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bị sạt, trôi xuống sông Chảy rạng sáng ngày 14/9/2024)

Tăng khả năng chống chịu

Sự chung tay của toàn xã hội để khôi phục sản xuất ở các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra là rất cần kíp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả của dân tộc Việt Nam. Nhưng để kiến thiết đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là ở địa bàn vùng DTTS và miền núi thì chủ lực vẫn là nguồn ngân sách Nhà nước, cả trước mắt cũng như lâu dài.

Trước hết là về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Bão lũ đi qua, để lại hiện trạng ngổn ngang, với nhiều công trình thiết yếu bị phá hủy, nhất là các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Chỉ riêng tại Lào Cai, tính đến ngày 22/9, mưa lũ đã làm 382 công trình thủy lợi, 188 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng. Còn tại Yên Bái, tính đến ngày 19/9, mưa lũ làm 406 công trình thủy lợi và 24 công trình cấp nước tập trung nông thôn bị hư hỏng (khoảng 2.800 hộ bị ảnh hưởng)...

Khi công cuộc tái thiết sau cơn bão số 3 cho các địa phương miền núi phía Bắc đang ở giai đoạn khởi động thì bão số 4 đã ập vào miền Trung; nhiều địa phương gánh chịu tổn thất nặng nề, nhất là về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống. Chỉ riêng tại Nghệ An, tính đến ngày 24/9, toàn tỉnh có hơn 21.228m3 đất đá sạt lở, làm hư hỏng, tắc nghẽn nhiều tuyến đường; 30 cầu bị hư hỏng, sạt lở. Hệ thống thủy lợi bị thiệt hại nặng nề, với 1.121m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 8 hồ, đập tràn bị sạt lở, hư hỏng...

Khắc phục sạt lở để thông tuyến giao thông lên địa bàn các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Khắc phục sạt lở để thông tuyến giao thông lên địa bàn các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Công cuộc kiến thiết cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống cho người dân ở các địa phương vì thế sẽ cần nguồn lực rất lớn, do đó không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này là khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân và tập trung khôi phục sản xuất. Những nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tại Hội nghị khắc phục bão số 3 được tổ chức ngày 15/9.

Cùng với ổn định đời sống Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việc khôi phục sản xuất là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chỉ có thực hiện tốt nhiệm vụ này mới có thể bảo đảm sự ổn định, bền vững của đời sống, sinh kế của người dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung; đồng thời mới tạo ra được nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và cả nước”.

Mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4 gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung. (Trong ảnh: Một cầu tràn tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An bị sạt lở, đứt gãy)
Mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4 gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung. (Trong ảnh: Một cầu tràn tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An bị sạt lở, đứt gãy)

Để khôi phục sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi... Đồng thời cần tập trung rà soát, rút gọn trình tự, thủ tục các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để triển khai kịp thời.

Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang được thực thi trong nhiều chương trình, đề án; trong đó trọng tâm là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719); Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Điều cần làm là các địa phương sớm vận dụng hiệu quả những cơ chế đặc thù đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 trên cơ sở thực tế của địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ của các Chương trình MTQG, tạo động lực để giải quyết những vấn đề cấp bách và phục hồi sản xuất sau thiên tai, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS.

Khu tạm cư mới cho người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai được xây dựng trên diện tích 2.000m². Ảnh: Vingroup cung cấp
Khu tạm cư mới cho người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai được xây dựng trên diện tích 2.000m². Ảnh: Vingroup cung cấp

Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đã được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/1/2017, nhưng định mức hỗ trợ rất thấp (ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha;...). Do đó, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, với định mức hỗ trợ cao hơn, điều kiện hỗ trợ cũng được nới lỏng hơn.

Tin cùng chuyên mục
Xả lũ Thủy điện- Đảm bảo thông tin phải đến được với người dân

Xả lũ Thủy điện- Đảm bảo thông tin phải đến được với người dân

Cứ đến mùa mưa bão, nỗi lo xả lũ thủy điện gây ngập là nỗi ám ảnh của người dân vùng hạ du. Có rất nhiều thủy điện tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành. Nhưng cũng có không ít công trình thủy điện chưa tuân thủ, hoặc tuân thủ chưa nghiêm, thường bất ngờ xả lũ hoặc xả lũ không báo trước, không cảnh báo, báo động… gây ngập lụt, làm thiệt hại rất lớn đối với người dân sinh sống ở vùng hạ lưu.