Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh nghiệm phòng chống thiên tai, thảm họa của Trung Quốc

Nguyệt Anh - 18:09, 27/09/2022

Với 65% diện tích lãnh thổ là đồi núi, điều kiện địa chất và hoạt động kiến tạo phức tạp, Trung Quốc là một trong những quốc gia thường xuyên phải chống chọi với các thảm họa về lũ lụt, sạt lở.... Chỉ tính riêng năm 2019, tại quốc gia này đã xảy ra 6.181 vụ tai biến địa chất, trong đó sạt lở 4220 vụ (chiếm 68,27%), gây thiệt hại lớn về con người và tiền của.

Hình ảnh lũ lụt tại Hằng Dương tỉnh Hồ Nam ngày 9/7. (Ảnh: Getty Images)
Hình ảnh lũ lụt tại Hằng Dương tỉnh Hồ Nam ngày 9/7. (Ảnh: Getty Images)

Cơ chế quản lý và chỉ huy tập trung

Trước thực trạng đó, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chính phủ nước này đã xây dựng và thực hiện thống nhất một cơ chế quản lý và chỉ huy tập trung. Ủy ban quốc gia về phòng, chống lũ lụt và khô hạn được thành lập với thành phần chính là lực lượng chức năng của Quốc vụ viện và Bộ Tham mưu Liên hợp (Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc). Bộ Thủy lợi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nguồn nước.

Ngoài ra, ở mỗi cấp từ trung ương xuống đến các tỉnh, địa khu và cấp huyện đều có một cơ quan quản lý nguồn nước, chịu trách nhiệm xây dựng thủy lợi và quản lý nước theo khu vực được phân công. Ở 7 dòng sông lớn là Trường Giang, Hoàng Hà, Hoài Hà, Hải Hà, Châu Giang, Liêu Hà, Tùng Hoa, đều thành lập một ủy ban thủy lợi riêng, trực thuộc Bộ Thủy lợi. Cơ quan này sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng thời điểm để xác định kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Các địa phương từ cấp huyện đến địa khu và tỉnh đều thành lập cơ quan chỉ huy phòng chống lũ lụt, đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ huy tập trung, thống nhất của người đứng đầu chính quyền cùng cấp.

Do 60-70% diện tích dòng chảy của các con sông lớn ở Trung Quốc thuộc vùng núi, lượng nước ở thượng nguồn lớn, trong khi khả năng tiêu lũ ở trung và hạ nguồn còn yếu, nên việc quy hoạch, quản lý và phòng chống lũ, lụt được thực hiện theo phương châm:  "Tích - xả kết hợp, lấy xả là chính”. Giải pháp mà Trung Quốc áp dụng ở đây là xây dựng các đập ngăn lũ ở thượng nguồn; khơi thông dòng chảy, trầm tích ở trung du và hạ nguồn để tăng cường năng lực tiêu lũ. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp phân lũ bằng cách lợi dụng các hồ và vùng đất thấp để xây dựng các khu vực chứa và giữ nước, nạo vét và đào thêm các dòng chảy hướng thẳng ra biển.

Lực lượng cứu hộ chuyển những người dân mắc kẹt do lũ lụt ở Rongshui, khu tự trị Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. (Ảnh THX)
Lực lượng cứu hộ chuyển những người dân mắc kẹt do lũ lụt ở Rongshui, khu tự trị Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. (Ảnh THX)

Vào mùa lũ, quân đội và nhân dân sẽ được tăng cường huy động tham gia phòng, chống lũ lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Mỗi đơn vị và cá nhân, nhất là lực lượng cư trú và đóng quân hai bên bờ sông đều có nghĩa vụ phải tham gia phòng, chống lũ lụt, theo sự phân công của cơ quan phòng, chống lũ lụt các cấp. Trong đó, quân đội là lực lượng xung kích cứu hộ cứu nạn khi có các đợt lũ lớn xảy ra. Người dân là lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuần tra đê điều và xử lý sự cố thông thường ở các công trình chống lũ.

Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chuyên trách và người dân, sẵn sàng bổ trợ cho nhau khi cần. Khi mực nước sông thấp, việc tuần tra, kiểm soát các công trình ven sông do cơ quan chức năng phụ trách. Khi nước lũ dâng cao, dưới sự điều hành của nhân viên kỹ thuật, cư dân hai bên bờ sông sẽ là lực lượng chủ yếu trực tiếp tham gia tuần tra và bảo vệ các công trình cả ngày lẫn đêm. Các đội cơ động luôn túc trực 24/24, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Thúc đẩy các giải pháp phi công trình, bảo hiểm lũ lụt

Ngoài việc tăng cường đầu tư xây dựng, gia cố các công trình chống, phòng lũ lụt, Trung Quốc coi trọng áp dụng các giải pháp phi công trình, như dự báo, cảnh báo sớm; quản lý vùng chứa nước; nạo vét dòng chảy; chính sách bảo hiểm lũ lụt; cứu trợ thảm họa....

Hơn 20.000 trạm cùng hàng nghìn điểm quan trắc và hệ thống dự báo tự động được lắp đặt trên toàn quốc để thực hiện dự báo và cảnh báo sớm. Các thiết bị hiện đại như vệ tinh, radar, hệ thống quan trắc thủy văn và truyền số liệu vô tuyến điện tiến hành xử lý, dự báo chính xác các đặc trưng cơ bản của lũ lụt như: đỉnh lũ, lượng nước, mức lũ, tốc độ dòng chảy, thời gian lũ đến, lịch sử lũ…

Binh lính và sĩ quan gia cố đê sông Trường Giang để ngăn lũ lụt ở huyện Poyang, tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc (Tân Hoa xã / Zhou Mi)
Binh lính và sĩ quan gia cố đê sông Trường Giang để ngăn lũ lụt ở huyện Poyang, tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc (Ảnh Tân Hoa xã / Zhou Mi)

Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, giảm gánh nặng cho xã hội và chi phí của nhà nước, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chế độ bảo hiểm lũ lụt đối với cư dân và các đơn vị trong vùng lũ. Đối tượng tham gia theo một trong hai hình thức là tự nguyện hoặc bắt buộc, được các công ty bảo hiểm bồi thường khi có thiệt hại về tài sản. Đây là một trong những giải pháp phi công trình quan trọng mà Trung Quốc đang áp dụng. Một số nước như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Ấn Độ cũng đã thực hiện chính sách này.

Từ sau trận “đại hồng thủy” năm 1998 trên sông Trường Giang và sông Tùng Hoa, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng mô hình: “Người dân kiểm soát, người dân phòng tránh” trong phòng, chống lũ lụt và sạt lở đất. Đây là hình thức huy động sự tham gia quần chúng nhân dân ở chính những điểm có nguy cơ cao về thảm họa địa chất, hình thành nên một mạng lưới giám sát, phòng ngừa những hiện tượng bất thường của thiên nhiên, từ đó giúp người dân chủ động có biện pháp phòng tránh. Với hơn 29 vạn người tham gia, mô hình này được triển khai thực hiện ở ba cấp (huyện, xã và thôn), tại tất cả những khu vực có nguy cơ cao về lũ lụt, thảm họa địa chất và được vận hành theo chế độ “tam tra” (điều tra trước mưa, tuần tra trong mưa và phúc tra sau mưa).

Công việc hằng ngày của họ là thay phiên nhau trực ban, tuần tra kiểm soát, ghi chép số liệu quan trắc đơn giản và báo cáo nhanh tình hình. Bất kể ngày hay đêm, những dấu hiệu bất thường về lượng mưa, nứt nẻ, chuyển dịch của mặt đất, độ nghiêng của cây cối, đột biến về lượng nước, biểu hiện của động vật..., đều được người dân quan sát và báo cáo lên trên. Họ được hưởng trợ cấp, khi thực hiện nhiệm vụ được trang bị các loại thiết bị giám sát thông minh, phân tích và gửi dữ liệu tự động; đồng thời phải trải qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức cơ bản, dấu hiệu nhận biết thảm họa, cách thức thông báo và kỹ năng sơ tán khẩn cấp.... Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người đảm nhiệm trực ban lập tức gõ kẻng cảnh báo, sau đó gửi tin báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó kịp thời, và phối hợp với lực lương chuyên trách và đội ứng phó khẩn cấp (cũng được thành lập ở 3 cấp huyện, xã và thôn) sơ tán người dân đến khu vực an toàn.

Lực lượng này cùng với đội ngũ chuyên trách đã tạo nên một mạng lưới rộng khắp, xuống tận cơ sở, góp phần tích cực nâng cao ý thức đề phòng, hiệu quả dự báo và khả năng phản ứng của người dân trước các tình huống khẩn cấp về địa chất, đặc biệt ở những khu vực hẻo lánh, vùng núi cao đi lại khó khăn, phương tiện kỹ thuật chưa vươn tới được.

Trung Quốc những năm gần đây đã quy hoạch lại việc phát triển hệ thống thủy điện vừa và nhỏ theo hướng ưu tiên bảo vệ môi trường. Cấm xây dựng thủy điện nhỏ ở những khu sinh thái trọng điểm quốc gia, hạn chế xây dựng ở khu vực sinh thái quan trọng và khu sinh thái yếu. Ở khu vực miền Đông và miền Trung, nơi có mức độ khai thác cao về nguyên tắc sẽ không phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Còn tại Vân Nam - một tỉnh miền núi giáp với Việt Nam, từ năm 2016, chính quyền địa phương đã không còn phê duyệt các dự án thủy điện có công suất dưới 250.000KW, những công trình thủy điện vừa và nhỏ đã xây dựng cũng không được phép mở rộng quy mô.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.