Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Kon Tum: Nâng cao đời sống đồng bào DTTS ở khu vực biên giới

Ngọc Chí - 08:41, 28/08/2024

Tỉnh Kon Tum có 13 xã biên giới, phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS và diện mạo các xã biên giới ngày càng khởi sắc.

Diện mạo các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng khởi sắc
Diện mạo các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng khởi sắc

Hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế

Tỉnh Kon Tum có đường biên giới quốc gia dài hơn 292km tiếp giáp với Lào và Campuchia; có 13 xã biên giới, thuộc 4 huyện là Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai. Dân số sinh sống ở khu vực biên giới (KVBG) là 17.958 hộ/65.248 khẩu; với 24 dân tộc anh em, trong đó DTTS là 13.620 hộ/50.654 khẩu, chiếm 77,6%.

So với mặt bằng chung trên địa bàn tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS ở KVBG vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, chiếm 13% (nghèo 1.370 hộ chiếm 7,6%; cận nghèo 974 hộ chiếm 5,4%). Nhằm từng bước giúp đồng bào DTTS ở KVBG vươn lên thoát nghèo bền vững, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG, nhất là nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 để hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS. Đây được xem là yếu tố quyết định trong việc nâng cao đời sống của đồng bào DTTS ở KVBG.

Ông A Lai (dân tộc Gié Triêng) – thôn Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Gia đình lựa chọn mô hình nuôi heo nên xã đã hỗ trợ 05 con heo giống. Qua 3 tháng chăm sóc, heo cũng phát triển tốt. Gia đình cố gắng nuôi để sau này sinh sản, phát triển đàn và có thêm thu nhập cho gia đình.

Ông A Tải – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cho biết: Từ năm 2023 đến nay, với nguồn kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ Chương trình MTQG 1719, xã đã đầu tư sửa chữa các tuyến đường nội thôn và hỗ trợ cây, con giống cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua đó, giúp cho các hộ có điều kiện phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới.

Ngoài việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS, các cấp ủy Đảng ở 13 xã biên giới đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của hơn 2.000 đảng viên trong việc giúp đỡ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Đồng bào DTTS ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị kinh tế
Đồng bào DTTS ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị kinh tế

Đảng viên A Cu (dân tộc Gié Triêng) – thôn Đăk Ga, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Được phân công phụ trách 04 hộ gia đình, trong đó có 01 hộ nghèo và 01 hộ cận nghèo trong thôn, tôi thường xuyên đến thăm các hộ gia đình và trực tiếp hướng dẫn bà con cách chăm sóc trâu, heo được hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 để nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước được phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng Kon Tum ở các xã biên giới cũng triển khai nhiều mô hình giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, như: Mô hình phân công sỹ quan, Quân nhân chuyên nghiệp người DTTS kết nghĩa giúp hộ người DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên KVBG; phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình; con nuôi Đồn Biên phòng; hỗ trợ bò giống sinh sản cho người nghèo tại các xã biên giới… Qua đó, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp đồng bào DTTS ở KVBG vươn lên thoát nghèo bền vững trên chính đôi tay, mảnh đất của mình.

Xây dựng vùng biên vững mạnh

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội ở KVBG đã có sự chuyển biến rõ rệt, cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn từng bước đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động nền nếp, hiệu quả; tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định, Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước.

Ông Đinh Văn Son (dân tộc Mường) – Già làng thôn Bắc Phong, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Nhà nước quan tâm đầu tư toàn diện nên diện mạo ở xã biên giới Pờ Y đổi thay rất nhiều. Ngày xưa chúng tôi vào lập nghiệp ở đây đường xá không có, nhà cửa thì toàn là vách nứa, bây giờ 99% là nhà xây kiên cố rồi. Đường làng ngõ xóm bê tông cứng hết rồi. Mức sống của bà con cũng thay đổi khá nhiều.

Già làng Đinh Văn Son (ngoài cùng bên phải) vui mừng trước những đổi thay của xã biên giới Pờ Y, huyện Ngọc Hồi
Già làng Đinh Văn Son (ngoài cùng bên phải) vui mừng trước những đổi thay của xã biên giới Pờ Y, huyện Ngọc Hồi

Ông Tống Văn Đồng – Chủ tịch UBND xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: Thông qua nguồn lực đầu tư của các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719, hiện nay đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã có sự đổi thay rõ nét. Hiện tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn hơn 6%, thu nhập bình quân đầu người hơn 47 triệu đồng/năm. Xã đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Với nguồn lực đầu tư toàn diện từ các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hiện có hơn 15% số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực phát triển kinh tế, tự vươn lên thoát nghèo bền vững; 99% số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới cam kết bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa mới; 36% số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và tham gia hợp tác xã sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; 35% số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, mức thu nhập cao hơn mức trung bình chung của người DTTS trong tỉnh; 36% số hộ có nhà ở kiên cố. Đến nay, có 07/13 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.

Trường Tiểu học xã Đăk Long, huyện Đăk Glei đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719
Trường Tiểu học xã Đăk Long, huyện Đăk Glei đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719

Bà Y Thanh – Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Với sự quan tâm đầu tư về mọi mặt trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đã giúp người dân phát triển kinh tế, tiếp cận với các phương án hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ đó nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh những kết quả đạt được, các xã biên giới vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Kinh tế - xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển; hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng còn thiếu... Vì vậy, địa phương mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm huyện đi các xã biên giới, vì hiện nay trên địa bàn huyện đường giao thông vào các xã biên giới đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Với nguồn lực đầu tư của các Chương trình MTQG và tinh thần đoàn kết của Nhân dân các dân tộc, tin rằng đời sống của Nhân dân ở 13 xã biên giới của tỉnh Kon Tum tiếp tục có sự đổi thay và Nhân dân tiếp tục chung tay, góp sức cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng.