Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Kon Tum: Xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức

Ngọc Chí - 06:00, 24/04/2025

Ngày 23/4, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; nhận hối lộ” đối với bị cáo Phạm Thị Luyên, sinh 1989, trú tại phường Quang Trung, Tp. Kon Tum và 2 đồng phạm là Huỳnh Thị Mai Xuân, sinh 1981, trú tại phường Quyết Thắng, Tp. Kon Tum, công chứng viên Phòng Công chứng số 2; Trương Thị Tình, sinh 1993, trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum .

Quang cảnh phiên tòa
Quang cảnh phiên tòa

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, khoảng tháng 5/2022, Phạm Thị Luyên đặt 1 đối tượng (không rõ lai lịch, địa chỉ) trên ứng dụng Zalo làm giả 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) dựa trên thông tin của những GCNQSDĐ và thửa đất có thật đang đứng tên người khác, nhưng đặt làm giả và ghi tên mình.

Ngày 13/6/2022, Luyên vay của Tình 100 triệu đồng, viết giấy vay tiền và thế chấp 2 GCNQSDĐ để làm tin, sau đó tiếp tục nhiều lần vay và trả tiền cho Tình.

Đến tháng 11/2022, Luyên với Tình tính toán và chốt nợ thì Luyên còn nợ Tình 1 tỷ 50 triệu đồng. Luyên muốn vay thêm 800 triệu đồng thì Tình yêu cầu Luyên phải làm hợp đồng ủy quyền QSDĐ của Luyên qua cho mình. Luyên đồng ý và đưa tổng cộng 5 GCNQSDĐ giả cho Tình.

Ngày 1/12/2022, Luyên cùng với Tình và Trịnh Văn Hậu (chồng Tình) đến Phòng Công chứng số 1. Khi Hậu đưa 5 GCNQSDĐ ra thì nhân viên Phòng Công chứng nghi ngờ là giấy tờ giả, nên đề nghị Hậu mang đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra.

Hậu đã nhờ một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường xem hộ và anh này nghi ngờ giấy giả nên hướng dẫn Hậu đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để kiểm tra. Hậu đã cầm 5 GCNQSDĐ này cùng vợ tìm gặp Luyên và Luyên thừa nhận 5 giấy này là giả.

Bị cáo Phạm Thị Luyên (áo xanh) và bị cáo Trương Thị Tình (áo vàng) khai báo tại phiên tòa
Bị cáo Phạm Thị Luyên (áo xanh) và bị cáo Trương Thị Tình (áo vàng) khai báo tại phiên tòa

Tình biết rõ số GCNQSDĐ này là giả, nhưng vẫn đưa lại cho Luyên 3 giấy và thúc ép Luyên trả nợ. Tình đã tìm người, liên hệ để Luyên thế chấp, ủy quyền GCNQSDĐ giả và nhờ công chứng viên Huỳnh Thị Mai Xuân ở Phòng Công chứng số 2 nhờ công chứng hợp đồng ủy quyền giúp Luyên và nhận 32 triệu đồng tiền “cảm ơn” từ Luyên.

Luyên đã làm hợp đồng ủy quyền cho nhiều người với sự giúp sức của bị cáo Tình và bị cáo Xuân, với tổng số tiền lừa đảo chiếm đoạt 800 triệu đồng. Ngoài ra, Luyên còn lợi dụng việc Hậu đồng ý giao xe mô tô cho mình sử dụng sau khi đã viết giấy thế chấp, cam kết chuyển nhượng để cấn trừ nợ, rồi tiếp tục đem xe cùng giấy đăng ký xe giả đi cầm cố để vay 65 triệu đồng.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Luyên 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo Điều 341, Bộ Luật Hình sự; bị cáo Huỳnh Thị Mai Xuân 2 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354, Bộ Luật Hình sự; bị cáo Trương Thị Tình 2 năm 6 tháng tù treo về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341, Bộ Luật Hình sự.

Tin cùng chuyên mục
Sở Dân tộc và Tôn giáo Đồng Nai: Tổ chức thành công Hội thi Tìm hiểu pháp luật về công tác Dân tộc năm 2025

Sở Dân tộc và Tôn giáo Đồng Nai: Tổ chức thành công Hội thi Tìm hiểu pháp luật về công tác Dân tộc năm 2025

Ngày 23/4/2025, tại thành phố Biên Hòa, Sở Dân tộc và Tôn giáo - Cơ quan thường trực Ban Tổ chức Hội thi đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị địa phương tham mưu UBND tỉnh, tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc năm 2025.