Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV: Nghiên cứu kỹ thời hạn áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù

PV - 18:55, 06/01/2022

Chiều 6/1/2022, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ. (Ảnh: Quang Khánh)
Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ. (Ảnh: Quang Khánh)

Bảo đảm sinh kế cho người dân khi giải phóng mặt bằng

Đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với việc đầu tư xây dựng công trình Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định là đúng thẩm quyền, bởi đây là dự án quan trọng quốc gia. Dự án cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, một số ĐBQH quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng và việc thực hiện tái định cư của dự án. ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho rằng, đây là câu chuyện mà các địa phương có dự án đi qua đều hết sức quan tâm. Trong quá trình triển khai thực hiện, đây cũng là vấn đề thường "mắc" nhất, để lại hậu quả phải giải quyết lâu dài. Một số địa phương rất vất vả trong việc xử lý vấn đề này dù dự án đã hoàn thành từ lâu, nhất là với một số công trình thủy điện, vì khu vực giải phóng mặt bằng liên quan đến các nhóm người yếu thế, nông dân, người nghèo, người DTTS…

Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Vĩnh Long tại phiên họp tổ. (Ảnh: Quang Khánh)
Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Vĩnh Long tại phiên họp tổ. (Ảnh: Quang Khánh)

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ: “cần phải bảo đảm được sinh kế khi di dân sang vùng khác và phải gắn với y tế, giáo dục nhằm tạo điều kiện cho người dân sớm có điều kiện để phát triển. Đây là vấn đề trong Báo cáo của Chính phủ chưa được đề cập”.

Lo ngại dự án có thể bị đội vốn trong quá trình đầu tư, ĐB Nguyễn Minh Đức cho biết, đây là câu chuyện Quốc hội rất quan tâm, khi thời gian qua có rất nhiều dự án lớn được đầu tư xảy ra tình trạng đội vốn kéo dài. Do đó, nếu không có báo cáo đánh giá tổng thể, tỷ mỉ thì có thể phát sinh tình trạng này đối với Dự án.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ. (Ảnh: Quang Khánh)
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ. (Ảnh: Quang Khánh)

Thực tế cũng có tình trạng khi triển khai dự án thì có những vật liệu giá tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với dự toán ban đầu. Do đó, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị, phải có phương án cụ thể nhằm bảo đảm được nguồn cung cấp vật liệu cho quá trình xây dựng toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đi cùng với đó là những chính sách hết sức cụ thể, rõ ràng. Cùng quan điểm này, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đề nghị, cần có chính sách để hỗ trợ việc áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới nhằm hạ thấp giá thành và bảo đảm nguồn cung vật liệu cho dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đơn cử như đoạn tuyến Cần Thơ - Cà Mau có nền đất yếu nên chi phí cho vật liệu sẽ khá cao.

Khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để nạo vét luồng hàng hải

Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, đa số ĐBQH tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

ĐBQH Phạm Đình Toản (Hưng Yên) phát biểu tại tổ. (Ảnh: Quang Khánh)
ĐBQH Phạm Đình Toản (Hưng Yên) phát biểu tại tổ. (Ảnh: Quang Khánh)

Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung trong dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 59, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước và đã có những chính sách đặc thù khác với nhiều địa phương khác; tương thích với đặc điểm riêng, tạo cơ sở phát huy được thế mạnh của vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, lợi thế con người.

Về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh) tán thành cần thiết phải có chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực trong thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra điểm "vênh" khi dự thảo Nghị quyết dự kiến thí điểm trong thời gian 5 năm, sau 5 năm sẽ tổng kết, đánh giá, báo cáo Quốc hội nhưng lại áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư. Do đó, ĐB Đỗ Đức Hiển đề nghị, cần nghiên cứu kỹ đối với thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm minh bạch, thống nhất./.

Tin cùng chuyên mục